Một lần quyết định xăm, nhiều lần chịu đau để xóa
Tin Y tế - Ngày đăng : 19:47, 18/04/2024
Năm 2015, anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, tỉnh Phú Yên) nhìn thấy bạn bè xăm hình trên cánh tay cảm thấy ngầu, đẹp nên cũng quyết định xăm lên tay một hình xăm họa tiết hoa văn mà anh thời điểm đó cảm thấy yêu thích. Trước đó, gia đình phản đối ý định xăm hình của anh rất nhiều.
Đến cuối tháng 3.2024, do đặc thù công việc mới yêu cầu không được có những hình xăm trên cơ thể mới đáp ứng đầy đủ những tiêu chí mà công ty đặt ra, anh Nam quyết định đi xóa xăm. Ban đầu, anh nghĩ đơn giản xóa vài lần sẽ hết. Tuy nhiên, sau khoảng 3 lần xoá, những vết ửng đỏ, rát da dần bớt nhưng mực xăm đã ăn sâu dưới lớp da nên việc xóa xăm cũng chỉ mờ, hoàn toàn không hết và còn để lại sẹo xấu trên cánh tay. Điều này khiến anh Nam khổ sở.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, trong phần lớn các trường hợp, xóa xăm đúng cách rất an toàn. Tuy nhiên, hiệu quả xóa xăm phụ thuộc nhiều yếu tố như cơ địa da của người xăm, vị trí hình xăm, tuổi hình xăm, màu sắc, thành phần hạt mực xăm. Sau khi xóa xăm, da có thể bị tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố, độ tương phản sẽ nhiều hơn ở người có da sậm màu. Tránh nắng và dùng kem chống nắng để giảm tình trạng rối loạn sắc tố.
Màu mực xăm sáng như hồng, trắng, đỏ tươi, nâu nhạt… có thể bị phản ứng sậm lại do chất titanium dioxide và sắt oxide bị phản ứng ôxy hóa khử. Tác dụng phụ có thể gặp khi xóa xăm là chảy máu, rộp da và nhiễm trùng; thậm chí, một số trường hợp hiếm gặp có thể dị ứng, sốc phản vệ trong trường hợp xăm màu đỏ. Ngoài ra, điều trị xóa xăm không đúng cách có thể làm vùng da đó mất thẩm mỹ hơn so với hình xăm hiện tại, ví dụ như gây sẹo xấu, sẹo lồi.
Cũng theo bác sĩ Ngọc Huy, muốn xóa xăm cần lưu ý những loại hình xăm khác nhau sẽ đáp ứng điều trị khác nhau. Nếu hình xăm chuyên nghiệp do nghệ sĩ xăm thực hiện cấy mực xăm vào sâu trong lớp bì rất khó để xóa. Hình xăm không chuyên chủ yếu là màu đen, nếu pha nhiều hóa chất như sắt oxid, carbon, tro gỗ… sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả xóa xăm. Xăm chấn thương do chất ngoại lai như bột súng, nhựa đường (bụi, sỏi) xăm vào da khi chấn thương thì kết quả điều trị thay đổi tùy thuộc dị vật xăm vào...
Trong quy trình xóa xăm, bên cạnh việc lựa chọn thiết bị laser phù hợp thì việc thăm khám, đánh giá và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng để cho kết quả tối ưu.