Bitcoin và Phố Wall chịu áp lực khi rủi ro địa chính trị gia tăng
Blockchain - Game - Ngày đăng : 19:39, 16/04/2024
Tuần trước, đồng bitcoin và chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm do lợi suất trái phiếu và rủi ro địa chính trị gia tăng.
Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới dao động quanh mức 70.000 USD/BTC trong hầu hết các phiên trong tuần, song lại có một phiên cuối tuần đầy biến động, giảm xuống dưới 62.000 USD/BCT vào ngày 13/4 trước khi quay trở lại mức 65.000 USD/BTC vào sáng 14/4.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 kết thúc tuần giao dịch vừa qua ở mức 5.123,41 điểm, giảm 1,56%; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite chốt ở mức 16.173,09, giảm 0,5%; chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức 37.983,37 điểm, giảm 2,4%.
Các nhà giao dịch và nhà đầu tư đã bán bitcoin và cổ phiếu sau các báo cáo trái chiều liên quan đến lạm phát trong tuần trước. Họ lưu ý tới khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất vào năm 2024 hoặc từ bỏ hoàn toàn kế hoạch này.
Viễn cảnh trì hoãn hoặc từ bỏ việc cắt giảm lãi suất cũng không giúp ích gì cho thị trường trái phiếu.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc tuần trước với mức lợi suất 4,49%, tăng từ mức 4,40% vào đầu tuần, sau khi chạm mức 4,60% vào giữa tuần.
Lợi suất trái phiếu tăng giữa lúc bitcoin đang giao dịch gần mức cao nhất mọi thời đại. Những điều kiện này khiến cả hai loại tài sản là đồng bitcoin và chứng khoán dễ bị bán tháo, bởi các nhà đầu tư có xu hướng bán tài sản rủi ro để chuyển sang tài sản ít rủi ro hơn.
Ông Ronen Cojocaru, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính 8081, cho biết: “Khi áp lực lạm phát gia tăng, các ngân hàng trung ương có thể thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến giá của nhiều loại tài sản khác nhau, bao gồm cả tiền điện tử, giảm xuống.”
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tăng không đủ để bình thường hóa đường cong lợi suất. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giao dịch thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và thấp hơn 0,95 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 tháng.
Lợi suất trái phiếu dài hạn thấp hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn, mà các chuyên gia Phố Wall gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, khiến lĩnh vực ngân hàng dễ bị tổn thương trước tình trạng bán tháo.
Đường cong lợi suất đảo ngược là tin xấu đối với các ngân hàng truyền thống. Nó làm tổn hại đến thu nhập của ngân hàng khi các ngân hàng cạnh tranh nguồn vốn với các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) do các công ty tài chính phát hành.
Điều đó được thể hiện rõ trong kết quả tài chính quý 1/2024 của các ngân hàng lớn được công bố vào cuối tuần trước, vốn là nguyên nhân dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu ngành ngân hàng hôm 12/4.
Ngoài ra, rủi ro địa chính trị leo thang làm tăng thêm sự bất ổn ở Phố Wall, gây thêm áp lực lên thị trường chứng khoán.
Một trong những rủi ro này là tranh chấp ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngành công nghệ, khi cả hai bên đều tăng cường các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
Cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông, vốn lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần qua sau khi Iran cuộc tấn công Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa cũng tạo thêm sức ép cho thị trường.
Động thái này có thể làm lan rộng bất ổn trong khu vực, gây ra những hậu quả khôn lường cho hòa bình thế giới và thị trường tài chính.
Bất chấp căng thẳng giữa các quốc gia, các chuyên gia tin rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn là rất thấp vì nó có thể gây thảm họa cho tất cả bên tham gia.
Do đó, các nhà đầu tư dài hạn nên tập trung vào yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy giá cổ phiếu: sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong những tuần tới, các công ty sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024. Đây sẽ là một chỉ báo tốt về tình hình tài chính của họ./.