Sắp hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 15:09, 16/04/2024

Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng Quy chế xử lý các nghệ sĩ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục…

Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng có lợi dụng hình ảnh các y, bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên... khiến công chúng hoang mang. Nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh dù chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản trả lời cử tri về vấn đề này. Theo đó, đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để quảng cáo sản phẩm sai công dụng, bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xây dựng Quy chế xử lý.

Các nghệ sĩ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục… có thể bị xử lý theo hướng hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng bá thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ VHTT&DL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên.

Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định đã có biện pháp tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật, đặc biệt tập trung trên các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook, YouTube, TikTok.

"Trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp không xác định được nhân thân, đơn vị chức năng của Bộ sẽ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các đường link quảng cáo vi phạm, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet thực hiện chặn tên miền/ website quảng cáo vi phạm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cử tri.

Bộ TT&TT cũng đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp xử lý quảng cáo vi phạm. Công tác phối hợp dựa trên nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.