Nỗi lo mất an toàn thực phẩm mùa nắng nóng
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:33, 14/04/2024
Liên tục các vụ ngộ độc
Một học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, Khánh Hòa) tử vong vào sáng 5/4 vừa qua. Cùng thời điểm, một số học sinh khác cùng trường này và trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc sau khi ăn sáng tại các hàng quán và người bán hàng rong xung quanh các trường. Sự việc khiến người dân vô cùng lo ngại trước nguy cơ mất an toàn thực phẩm xung quanh trường học.
Trước đó, ngày 31/3, hàng chục học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang, Khánh Hòa) nhập viện với triệu chứng ngộ độc. Theo Sở Y tế Khánh Hòa, các học sinh này được xác định có mua các món ăn có thịt gà bán trước cổng trường để ăn.
Ngày 27/3, tại Quảng Ninh cũng xảy ra sự việc có 33 học sinh Trường Tiểu học Quang Hanh phải nhập viện vào do có biểu hiện đau bụng, buồn nôn sau bữa ăn trưa tại trường. Các em học sinh này được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa; rất may các học sinh đều được điều trị kịp thời. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã lấy 5 mẫu lưu thức ăn, 1 mẫu nước nấu ăn tại đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường Tiểu học Quang Hanh; lấy 1 mẫu nước uống đóng bình tại trường ngày 27/3 để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân.
Đặc biệt, trước đó, ngày 13/3 tại Khánh Hòa cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khiến hơn 300 người bị ngộ độc, phải nhập viện điều trị sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh trên đường Bà Triệu, TP Nha Trang. Sau khi cơ quan chức năng điều tra, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, đã phát hiện món cơm chan sốt trứng và gà xé tại quán cơm gà Trâm Anh nhiễm vi khuẩn Salmonella và chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; mẫu gà xé dương tính với Salmonella và chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và BHL.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định: Nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm là do hiện điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.
Cùng với đó, do quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm. Nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, nơi du lịch…
Về các tình huống ngộ độc thực phẩm, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngộ độc thực phẩm chính là ngộ độc các chất, vi trùng, độc tố gây ra. Khi nói về ngộ độc thực phẩm thì thực phẩm đóng vai trò như vector – đường truyền gây ngộ độc trong cơ thể; còn các vi trùng, hóa chất có trong thực phẩm gây ra ngộ độc cấp tính, mãn tính…
Theo đó, đối với các ngộ độc do vi khuẩn, vi trùng nói chung, các triệu chứng chủ yếu ở đường tiêu hoá, có thể thêm yếu tố mất nước, sốt, có biểu hiện nhiễm trùng, chủ yếu biểu hiện ở đường tiêu hoá…
Đặc biệt, nếu bệnh nhân có thêm các triệu chứng về tim mạch, thần kinh, tê bì, yếu cơ, mờ mắt, rối loạn nhịp tim và một số cơ quan khác mà các triệu chứng này không phải do nhiễm trùng, không do mất nước gây ra, không phải là bệnh đường tiêu hóa đơn thuần thì cần nghĩ đến ngộ độc do nhóm ngộ độc do yếu tố hóa chất hoặc độc tố tự nhiên trong thực phẩm. Nếu các trường hợp trong tình trạng nặng hoặc rầm rộ hoặc dai dẳng, liên tục không đỡ, người dân cần đến cơ sở y tế để khám ngay.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm
Trước tình hình các vụ ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra thời gian gần đây, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Cục đã vào cuộc phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, điều tra các vụ việc, tìm nguyên nhân và xử lý các vi phạm.
Để chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm thời gian tới, Cục đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với đơn vị chức năng liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đặc biệt chú trọng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, giám sát; trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình... Các đơn vị chú ý biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm an toàn thực phẩm năm nay, từ ngày từ 15/4 - 15/5/2024 Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.
Ở cấp Trung ương sẽ có 5 đoàn kiểm tra liên ngành; ở cấp địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp xã, phường. Qua đây, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.