Vì sao đề xuất công chứng viên chỉ hành nghề tới 70 tuổi?
Kinh doanh - Ngày đăng : 19:39, 13/04/2024
Theo ông Lê Xuân Hồng, công chứng là dịch vụ công do nhà nước ủy nhiệm. Hiện nay có 2 địa chỉ thực hiện dịch vụ này gồm phòng công chứng nhà nước (người làm việc tại đây 60-62 tuổi là nghỉ hưu) và phòng công chứng mang tính xã hội hóa.
"Công chứng đòi hỏi năng lực, trí tuệ, trí lực. Theo thống kê hiện nay hành nghề có độ tuổi từ 70 trở lên chiếm rất nhỏ, chưa tới 10%. Một số công chứng viên tuổi cao hành nghề ký tá văn bản cũng ít hơn người trẻ tuổi", ông Hồng nêu thực tế.
Cục trưởng Bổ trợ tư pháp cho rằng quy định độ tuổi với công chứng viên được đưa ra trong dự thảo Luật Công chứng cũng phù hợp với độ tuổi lao động của cán bộ công chức, viên chức hiện nay khi nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là nghỉ hưu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi.
Hơn nữa, tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) đưa ra điều khoản chuyển tiếp 2 năm. Cụ thể, với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa 2 năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực.
"Thông lệ quốc tế về độ tuổi hành nghề của công chứng viên cũng giới hạn dưới 70 tuổi, vượt qua 70 tuổi sợ không đảm bảo về mặt sức khỏe. Hoạt động công chứng mang tính dịch vụ công cơ bản, mặc dù xã hội hóa nhưng phải tăng cường quản lý. Luật Công chứng tới đây phải tăng cường trong bối cảnh xã hội hóa", ông Hồng phân tích.
Như Dân trí thông tin, được cho ý kiến lần đầu tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 1/4 vừa qua.
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ.
4 loại giấy tờ được cắt giảm gồm giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo/bồi dưỡng nghề, giấy chứng nhận đạt kết quả kiểm tra tập sự, bằng cử nhân luật và phiếu lý lịch tư pháp.
3 loại giấy tờ được giữ lại là đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khỏe.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giải thích quy định này nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giảm tải thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính.
Cục Bổ trợ tư pháp là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.