Gần 1.000 tấn cá chết ở Hải Dương: Đề nghị Bộ Nông nghiệp vào cuộc
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:03, 13/04/2024
Từ cuối tháng 3 vừa qua đến nay, trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương, như: Thanh Hà, TP Hải Dương, TP Chí Linh, Nam Sách, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Cẩm Giàng, Kim Thành, đã xảy ra tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt.
Theo tổng hợp từ các địa phương nói trên, tính đến hết ngày 9/4, số lượng cá nuôi lồng chết đã lên tới hơn 954 tấn.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay tình trạng cá chết đã giảm, chỉ còn chết rải rác không đáng kể.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở NN&PTNT Hải Dương đã phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Dương và Cục Thủy sản, Cục Thú y, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 của Bộ NN&PTNT, cùng các đơn vị chuyên môn kiểm tra thực tế, phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi sát, nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân gây chết cá.
Kết quả kiểm tra xác định, hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường xảy ra ở 3 tuyến sông (Thái Bình, Kinh Thầy, Luộc) ở nhiều địa phương, với nhiều loại cá. Kể cả cá và tôm tự nhiên trên sông cũng bị chết.
Kết quả kiểm tra lâm sàng và mổ khám các mẫu cá không quan sát thấy triệu chứng, bệnh tích của bệnh truyền nhiễm trên cá.
Ngoài ra, kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc có phát hiện cá nhiễm các bệnh: Ký sinh trùng, nấm hạt nhưng bệnh này không gây chết hàng loạt trên diện rộng.
"Qua kiểm tra phân tích yếu tố dịch tễ, mổ khám, kết quả xét nghiệm, kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, bước đầu có thể nhận định cá nuôi lồng bị chết không do yếu tố dịch bệnh, mà do thiếu oxy", lãnh đạo Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết.
Để khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị UBND tỉnh này đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục hỗ trợ xác định nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước.
Về giải pháp trước mắt, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, người dân cần tăng cường các biện pháp tạo oxy (sục khí, đảo nước, vệ sinh lồng nuôi…) và tăng cường phòng bệnh cho cá.
Người dân cần giảm mật độ cá nuôi lồng (tiêu thụ cá đã đạt kích cỡ; san thưa cá khỏe mạnh tại các lồng nuôi có mật độ cao…).
Tập trung thu gom, xử lý tiêu hủy cá chết, không để xác cá chết ra ngoài môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Đồng thời, người dân cần phối hợp chặt chẽ cùng cán bộ kỹ thuật theo dõi sát diễn biến tình hình cá nuôi lồng bị chết.