Cảnh giác với các bệnh dịch mùa hè

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:49, 13/04/2024

Dù mới bước vào đầu mùa hè, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, 15.000 ca sốt xuất huyết, hàng trăm ca mắc sởi, ho gà. Bên cạnh đó là ca bệnh đầu tiên mắc cúm A/H9N2, 1 một bệnh nhân nam đã tử vong do cúm A/H5N... Những diễn biến của dịch bệnh mùa hè đang đặt ra những vấn đề gì đối với hệ thống dự phòng và người dân?

Theo Bộ Y tế, đối với các bệnh dịch chưa có vaccine phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, các chuyên gia khuyến cáo, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khử trùng lớp học, đặc biệt là đồ chơi và bề mặt tiếp xúc như sàn, bàn, nằm màn ngủ, thường xuyên vệ sinh, thau rửa các dụng cụ chứa nước....

Còn đối với bệnh dịch đã có vaccine, tình hình dịch bệnh đang cho thấy các dấu hiệu cảnh báo khi từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.  Bệnh ho gà ghi nhận 118 ca, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nhiều trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi vaccine khiến tỷ lệ tiêm chưa đạt ngưỡng miễn dịch bảo vệ cộng đồng.

Năm 2024 là năm nằm trong chu kỳ 4-5 năm bùng phát của dịch sởi. Các chuyên gia nhận định, nếu không có biện pháp tiêm vaccine phòng ngừa đầy đủ, dịch sởi sẽ có nguy cơ bùng phát mạnh. Trên thế giới, tổ chức Y tế thế giới WHO gần đây cũng đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn cầu.

GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, để phòng ngừa các dịch bệnh bùng phát, ngay trong tháng 4 này, các địa phương cần triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 18 tháng tuổi; tiêm phòng ho gà cho trẻ và phụ nữ mang thai khi vaccine được cấp đủ về các địa phương.

“Đối với Bộ Y tế, sởi đã đầy đủ, đề nghị rà roát một cách đầy đủ những trẻ chưa đủ mũi tiêm phải tiêm ngay và cái này Bộ đã có chỉ đạo. Đối với vaccine ho gà nằm trong thành phần vaccine 5 trong 1, trong tháng 4 này sẽ về đủ số lượng để tiêm và cũng đã hướng dẫn các tỉnh rà soát đối tượng và sẽ lên kế hoạch để tiêm ngay khi các mũi vaccine về. Làm thế nào phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên để phát hiện, xử lý khoanh vùng triệt để, không để dịch lây lan”, GS. Phan Trọng Lân cho biết.

Đối với dịch bệnh lây từ cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 và 1 trường hợp nhiễm cúm A/H9N2. Phân tích của các chuyên gia cho thấy, việc kiểm soát nguồn gây bệnh trên động vật đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị, nhất là với ngành nông nghiệp.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, dù đây là lần đầu tiên nước ta có bệnh nhân mắc chủng cúm A/H9, song là chủng độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Khả năng lây nhiễm sang người vẫn còn hạn chế, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng là người có sức đề kháng yếu và chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người sang người.

“Nguy cơ xảy ra dịch thấp, chuyện mà biến đổi gen, thay đổi độc lực chưa có cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới và chưa có trường hợp nào xảy ra nên nguy cơ rất thấp. Chúng ta không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trong vấn đề phòng, chống cúm gia cầm. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có trường hợp nhiễm cúm H9. Trong cúm gia cầm, có H5N1 là gây độc lực cao, tỷ lệ tử vong lên tới 50%, còn hầu hết chủng khác như H9, H7 gây độc lực thấp và triệu chứng thấp”, ông Hoàng Minh Đức cho hay.

Để kiểm soát dịch bệnh mùa hè, Bộ Y tế  yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, viện Pasteur phân tích tình hình, đánh giá nguy cơ để triển khai các biện pháp chống dịch kịp thời, giúp kiểm soát dịch bệnh ngay từ sớm.