Quân sự thế giới hôm nay (13-4): Nga không kích Ukraine bằng tên lửa Kh-69

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:03, 13/04/2024

Quân sự thế giới hôm nay (13-4) có những nội dung sau: Nga sử dụng tên lửa Kh-69 không kích Ukraine, Lockheed Martin ra mắt tên lửa siêu vượt âm Mako tại triển lãm Sea Air Space 2024, tàu quét mìn của Ukraine cập cảng Portsmouth tham gia tập trận hải quân đa quốc gia.

* Nga không kích Ukraine bằng tên lửa Kh-69  

Defense Express đưa tin, Không quân Nga đã sử dụng tên lửa hành trình cận âm Kh-69 tấn công cơ sở nhiệt điện Trypillia của Kiev.

Nga không kích Ukraine bằng tên lửa Kh-69. Ảnh: Kyiv Post

Giới chức Ukraine cho rằng đã phát hiện ra mảnh vỡ của tên lửa này ở hiện trường. Kh-69 là loại tên lửa mới được lực lượng Nga đưa vào sử dụng và cho tới nay, vũ khí này vẫn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế vì tính năng kỹ-chiến thuật của nó vẫn chưa được tiết lộ.

Kh-69 là tên lửa hành trình cận âm do Nga chế tạo để trang bị cho máy bay chiến thuật. Nó có thể được phóng từ tiêm kích Su-34 và Su-35. Bên cạnh đó, tên lửa này còn có thể được trang bị cho máy bay chiến đấu Su-57. Dữ liệu còn rất hạn chế về Kh-69 cho biết tên lửa có tầm bắn khoảng 290km, nhưng trên thực tế có thể lên tới 400km. Trọng lượng của đầu đạn được cho là nặng khoảng 310kg.

Tên lửa hành trình Kh-69 được ra mắt tại triển lãm quốc phòng ở Moscow, Nga năm 2022. Ảnh: Russian MoD

Kh-69 sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh và ăng-ten chống nhiễu Kometa-M, tương tự như hệ thống được lắp trên tên lửa hành trình Kh-101. Một trong những tính năng nổi bật của Kh-69 là nó có khả năng bay ở độ cao rất thấp, chỉ 20m, thấp hơn cả Kh-101. Defense Express cũng cho rằng các tên lửa Kh-69 mà Nga sử dụng dường như mới chỉ là bản thử nghiệm, chưa đi vào sản xuất hàng loạt nên hiện chưa rõ Nga có bao nhiêu tên lửa loại này.

* Tàu quét mìn của Ukraine cập cảng Portsmouth (Anh) để tham gia tập trận hải quân đa quốc gia

Theo Navy Recognition, hai tàu quét mìn lớp Sandown của Hải quân Ukraine đã cập cảng Portsmouth (Anh) để tham gia các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia.

Hai tàu quét mìn Cherkasy và Chernihiv cập cảng Portsmouth (Anh). Ảnh: UK MoD 

Đây là hai con tàu mà Hải quân Hoàng gia Anh mới chuyển giao cho Ukraine và đã được đổi tên thành Cherkasy và Chernihiv, đánh dấu một bước quan trọng trong cam kết hỗ trợ hiện đại hóa Hải quân Ukraine của Anh.

Sandown là lớp tàu quét mìn chuyên dụng, được thiết kế để phát hiện và vô hiệu hóa thủy lôi. Thân tàu được bằng sợi thủy tinh, giúp giảm thiểu nguy cơ kích hoạt thủy lôi từ tính. Tàu có chiều dài khoảng 52,5m, rộng 2,3m, mớn nước 10,9m và có lượng giãn nước khoảng 600 tấn. Tàu có thể đạt vận tốc 24km/giờ và phạm vi hoạt động 4.630km. Lớp Sandown được trang bị hệ thống sonar Type 2093 tinh vi, có khả năng phát hiện thủy lôi và các vật thể dưới nước. Ngoài ra, lớp Sandown có thể mang theo phương tiện tự hành dưới nước Seafox, một phương tiện có khả năng nhận dạng và xử lý thủy lôi. Seafox được trang bị súng cỡ tự động DS30M Mark 2 30mm và súng máy 7,62mm để tự vệ và có sức chứa khoảng 34 người.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhấn mạnh rằng tàu quét mìn lớp Sandown sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển Ukraine và bảo vệ các tuyến đường thương mại, đặc biệt là trong việc phát hiện và vô hiệu hóa thủy lôi, vốn rất quan trọng để đảm bảo an ninh Biển Đen về lâu dài.

Là một trong những nhà viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, cho tới thời điểm hiện tại, Anh đã chi hơn 7 tỷ bảng Anh (9 tỷ USD) để trang bị vũ khí cho Kiev kể từ tháng 2-2022.

* Lockheed Martin ra mắt tên lửa siêu vượt âm Mako tại triển lãm Sea Air Space 2024

Mới đây, nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và công ty CoAspire, đã cho ra mắt tên lửa siêu vượt âm mới có tên gọi Mako tại triển lãm hàng hải Sea Air Space 2024 diễn ra ở Washington, Mỹ.

Tập đoàn Lockheed Martin ra mắt tên lửa siêu vượt âm Mako tại triển lãm hàng hải Sea Air Space 2024. Ảnh: Naval News 

Lockheed-Martin tiết lộ, Mako là một nền tảng đa nhiệm "có khả năng sống sót cao và giá cả phải chăng”, có thể bay với tốc độ khoảng 6.147 km/giờ, gần đạt tốc độc Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh). Đây là lần đầu tiên Mỹ giới thiệu Mako sau 7 năm phát triển dự án, dù tên lửa này vẫn đang ở dạng mô hình.

Theo nhà sản xuất, Mako được phát triển để trang bị cho chiến đấu cơ F-35. Tên lửa này cũng tương thích với F-22, F-15, F-16, F/A-18 và một số máy bay khác. Tuy nhiên, chi tiết về tính năng của tên lửa siêu vượt âm này hiện vẫn đang được giữ bí mật.

Tại gian hàng giới thiệu Mako trong triển lãm Sea Air Space 2024 cho biết tiêm kích F-35 có thể mang theo tối đa 6 tên lửa Mako, bao gồm 4 tên lửa đặt trên giá treo bên ngoài và 2 tên lửa được đặt trong khoang vũ khí trong thân máy bay. Hiện tại, không loại vũ khí siêu vượt âm nào đang trong quá trình phát triển của Mỹ có thể cất trong khoang vũ khí của tiêm kích F-35 như Mako. Tính năng này giúp F-35 có thể mang theo tên lửa mà không gây ảnh hưởng tới tính năng tàng hình, do treo vũ khí bên ngoài sẽ khiến máy bay dễ bị radar đối phương phát hiện hơn.

Việc ra mắt tên lửa Mako tại triển lãm Sea Air Space 2024 cho thấy Lockheed-Martin và CoAspire đang có một bước tiến đáng kể trong cuộc chạy đua vũ trang siêu vượt âm, mang đến một lựa chọn có tính thay đổi chiến lược trong phòng thủ của Mỹ.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)