Gần 30 năm đằng đẵng xin ly hôn vợ vì hôn nhân 'tồi tệ đến mức không thế hàn gắn'
Gia đình - Ngày đăng : 11:41, 12/04/2024
"Dù cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, hôn nhân vẫn được xem là thứ gắn kết tình cảm vô giá, đạo đức và tinh thần giữa người chồng và người vợ trong xã hội Ấn Độ", Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết bác đơn ly hôn của Nirmal Singh Panesar, 89 tuổi.
Cụ ông này kết hôn từ năm 1963. Ông khai trong hồ sơ gửi tòa rằng từ năm 1984, cuộc hôn nhân của ông đã "tồi tệ đến mức không thế hàn gắn". Trong năm này, ông được quân đội điều chuyển đến thành phố Chennai, nhưng vợ ông là bà Paramjit đã từ chối chuyển đi cùng chồng.
Ly hôn vẫn là điều cấm kỵ ở Ấn Độ và chỉ 1 trong 100 cuộc hôn nhân kết thúc trong đổ vỡ.
Hơn một thập kỷ sau, vào năm 1996, ông Nirmal lần đầu đệ đơn ly hôn với lý do bị đối xử tệ bạc, bị ruồng rẫy. Tòa án địa phương ban đầu chấp thuận, nhưng hủy bỏ vào cuối năm đó vì đơn kháng cáo của bà Paramjit, hiện 82 tuổi. Sau hai thập kỷ, vụ án ly hôn của Nirmal được đưa lên cấp Tòa án Tối cao.
Tại đây, tòa tiếp tục bác đơn xin ly hôn dù đồng ý rằng cuộc hôn nhân của 2 người "không thể cứu vãn được".
Phán quyết cho rằng việc đồng ý ly hôn sẽ là "sự bất công" đối với bà Paramjit, người từng nói với tòa rằng bà không muốn mang tiếng là người đã ly hôn khi nhắm mắt xuôi tay.
Bà cũng cho biết mình đã nỗ lực hết sức để tôn trọng "mối quan hệ thiêng liêng" của 2 người và vẫn sẵn sàng chăm sóc chồng lúc tuổi già.
Cặp đôi có với nhau 3 con.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ chấp nhận khó khăn để ly hôn ở tuổi xế chiều
Bất chấp những lời dị nghị và khó khăn sau khi ly hôn, nhiều phụ nữ Ấn Độ lựa chọn ly hôn ở tuổi xế chiều vì quá chán nản, mệt mỏi với cuộc sống gia đình và luôn bị thua thiệt trong các cuộc tranh cãi.
Bà Arti Krishnan, 50 tuổi, một chuyên gia trong ngành du lịch, đã bỏ chồng sau 30 năm chung sống. Mặc dù hai cô con gái lớn luôn đứng về phía cha, nhưng bà vẫn quyết định thoát ra khỏi cuộc hôn nhân với người chồng thích kiểm soát và luôn đặt mẹ mình trước vợ.
"Tôi đã thỏa hiệp trong nhiều năm vì tôi đã kết hôn khi còn quá trẻ. Thậm chí, tôi còn không nhận ra rằng mình có quyền tự do đưa ra lựa chọn cho bản thân", bà nói.
Bà Arti Krishnan kể, bà đã cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người trong nhà và cũng đặt rất nhiều tâm huyết vào sự nghiệp của mình. Nhưng bà luôn cảm thấy không được đánh giá cao và bà kiệt sức vì luôn phải cố gắng để cùng lúc hoàn thành cả việc gia đình và xã hội.
Hiện bà đã ly hôn và sống một mình trong căn hộ nhỏ. "Tôi có ít của cải hơn nhưng yên tâm hơn. Tôi muốn các con gái hiểu rằng, một ngày nào đó, nếu không hạnh phúc trong một mối quan hệ, chúng có thể lựa chọn để hạnh phúc hơn".
Xu hướng ly hôn "bạc" hay ly hôn "xám" (ly hôn ở tuổi từ 50 trở lên) đang tăng ở một số quốc gia bao gồm Úc, Anh, Mỹ và gần đây là Ấn Độ.
Bà Amita Patel, 65 tuổi, một chuyên gia phần mềm ở thành phố Pune, miền tây Ấn Độ, cho biết, năm ngoái, khi con cái có sự nghiệp riêng, gia đình ổn định bà mới dám ly dị người chồng không chung thủy. Bà kể, vì con cái và thể diện gia đình, bà đã sống với người chồng phản bội suốt 30 năm, nay mới được tự do.
Gần đây, có nhiều lý do dẫn đến những cuộc ly hôn "xám". Trong đó, nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, phụ nữ ngày nay độc lập kinh tế hơn và ít bị kỳ thị hơn nếu ly hôn. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng nhận thấy họ giống bạn cùng nhà hơn là bạn tâm giao, những đứa con trưởng thành thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi nhau và họ nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn nếu chia tay.
Một cuộc khảo sát trên 400 cặp vợ chồng lớn tuổi ly hôn cho thấy, hầu hết người chủ động chia tay là phụ nữ. Điển hình nhất là cuộc ly hôn của một phụ nữ 80 tuổi, đã kết hôn 53 năm. Sau khi tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, bà đã nói với chồng rằng bà không muốn dành vài năm còn lại của cuộc đời cho ông nữa.
Tỷ lệ ly hôn ở Ấn Độ khá thấp (chỉ khoảng 1%), nhưng trong báo cáo "Tiến bộ của phụ nữ thế giới 2019-2020" của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua.
Sau 35 năm kết hôn, bà Shweta Kumar, 60 tuổi, sống ở Chennai quyết định ly hôn. Bà cho biết, sau khi ly hôn, mức sống có thể giảm và bà sẽ mang tiếng là kẻ ruồng bỏ gia đình, nhưng bà không muốn dành 30-40 năm còn lại sống trong bất hạnh, không có hạnh phúc.
Bà Shweta Kumar cho biết giữa bà và chồng có quá nhiều bất đồng, cãi vã và điều đó khiến bà cạn kiệt sức lực. Khi bà quyết định ly hôn, các con bà cảm thấy ổn với quyết định này của mẹ. "Tôi có thể thức dậy với một nụ cười, và chỉ điều đó thôi cũng khiến tất cả trở nên xứng đáng", bà Shweta tâm sự.
Giáo sư tâm thần học Robert J. Waldinger đến từ Đại học Y Harvard (Hoa Kỳ) cho biết, trong một nghiên cứu trên hàng ngàn người lớn tuổi về các vấn để như công việc, cuộc sống gia đình và sức khỏe, các nhà nghiên cứu nhận thấy, các mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp con người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Những cuộc hôn nhân không hạnh phúc sẽ gây hại cho sức khỏe con người, thậm chí còn tồi tệ hơn cả ly hôn.
Theo GĐ&XH