Tại sao bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu gần 674 tỷ đồng án phí?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:37, 12/04/2024
Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, ngày 11/4, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ và Tham ô tài sản.
Những bị cáo còn lại trong vụ án bị tòa phạt mức án từ 3 năm tù treo tới tù chung thân về một trong các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng…
Ngoài mức án trên, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) tương đương số tiền là 673.849 tỷ đồng.
Tòa quyết định tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ tương ứng.
Bên cạnh đó, tòa tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt các tài sản có liên quan tới vụ án cũng như kiến nghị làm rõ nhiều nội dung khác.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo mỗi người phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu gần 674 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Các bị cáo Nguyễn Cao Trí, Dương Tấn Trước, Nguyễn Thanh Tùng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.
Vụ án có số án phí được xem là "khủng" nhất trong lịch sử tố tụng nước ta, khi một bị cáo phải nộp 674 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm. Vậy pháp luật quy định về vấn đề này ra sao và tại sao bà Lan phải có nghĩa vụ đối với khoản tiền trên?
Theo quy định pháp luật hiện hành, án phí là số tiền mà đương sự phải nộp khi tòa án đã giải quyết vụ án bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
Án phí được chia thành các loại bao gồm: án phí hình sự, án phí dân sự, án phí hành chính. Ngoài ra, đối với án phí dân sự thì được chia thành án phí trong vụ án có giá ngạch và không có giá ngạch, cách xác định như sau:
Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Theo Điều 21 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH (gọi tắt Nghị quyết 326) án phí trong vụ án hình sự gồm: án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự, bao gồm án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch và án phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự.
Trong vụ án này, ngoài việc giải quyết các vấn đề hình sự, HĐXX cũng giải quyết các vấn đề dân sự nên bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Theo Điều 22, Nghị quyết 326 trên chỉ rõ bị cáo có nghĩa vụ nộp tiền án phí. Theo Điều 12 và điều 13 của Nghị quyết trên, bị cáo Trương Mỹ Lan không thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí dân sự sơ thẩm.
Theo Điểm e, mục 1.3, danh mục A ban hành kèm theo Nghị quyết 326 đối với những tranh chấp dân sự có số tiền trên 4 tỷ đồng thì công thức tính sẽ = 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ bồi hoàn cho SCB số tiền hơn 673.849 tỷ đồng. Với công thức trên, án phí phần đối với bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được tính như sau: = 112 triệu + 0,1% (673.849 tỷ đồng - 4 tỷ đồng).
Từ quy định trên, bị cáo Trương Mỹ Lan phải có nghĩa vụ nộp gần 674 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.