'Đầu tư một biển quảng cáo ngoài trời khó hơn một nhà máy'
Kinh doanh - Ngày đăng : 15:26, 11/04/2024
Ý kiến được ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP Hà Nội, đưa ra tại tọa đàm "Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời", do Báo Người Lao động và Hiệp hội Quảng cáo TP Hà Nội, tổ chức sáng 11/4.
Tại đây, ông Tuấn cho biết qua thực tế kinh doanh, nhiều doanh nghiệp quảng cáo gặp những vướng mắc, kể cả khi đã bám chặt quy định của cơ quan Nhà nước.
Trong đó, một số quy định trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn mang tính định tính, gây những cách hiểu khác nhau trong quá trình quản lý và việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tại Hà Nội hiện nay, biển quảng cáo tấm lớn độc lập ngoài trời vẫn chưa được tiếp nhận hồ sơ thông báo.
Nêu quan điểm "đầu tư một biển quảng cáo ngoài trời khó hơn đầu tư một nhà máy", ông Tuấn nhấn mạnh quy hoạch biển quảng cáo ngoài trời phải được coi trọng như những quy hoạch của các ngành khác như bất động sản, khu công nghiệp…
Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP Hà Nội cho biết kể từ khi Luật Quảng cáo được áp dụng, quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại các tỉnh thành Việt Nam hầu hết đều bị treo, không thực hiện được. Nguyên nhân là Luật Quảng cáo quy định vị trí mới cho biển quảng cáo ngoài trời phải được đấu thầu.
Trong khi đó ông Tuấn cho rằng quy định này là không khả thi vì đất có chủ sở hữu tư nhân hoặc các tổ chức, nên không thể thu hồi tài sản của họ để đấu thầu. Ông nhấn mạnh tư duy đấu thầu không phù hợp với vị trí quy hoạch quảng cáo.
Từ những thực tế trên, ông Tuấn kiến nghị những vị trí biển mới chưa có trong quy hoạch trước đây, quy định nên cho phép hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong đó, doanh nghiệp và chủ sở hữu đất được tự thỏa thuận với nhau theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với công trình tòa nhà cao tầng, tòa nhà thương mại, ông Tuấn kiến nghị có tiêu chuẩn cụ thể cho phép lắp đặt các hình thức quảng cáo hiện đại với kích thước lớn tương xứng với công trình.
"Cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hóa"
Sau khi lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết từ năm 1994, Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo và đã có hai lần sửa đổi, bổ sung cho đến nay.
Theo bà Hương, trong lần sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới, cơ quan soạn thảo sẽ quy định những chế tài xử phạt rất mạnh. Bà nhấn mạnh mức xử phạt cao nhất hiện là 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm là không thấp, nhưng thực thi ở địa phương còn nhiều vấn đề phải bàn.
Với vai trò là quản lý nhà nước và tổ biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, bà Hương cam kết sẽ lắng nghe để cân đối các ý kiến.
"Luật Quảng cáo ra đời không chỉ phiến diện vào một cá nhân nào, bởi hoạt động này tác động tới rất nhiều đối tượng. Do đó, những người làm chính sách sẽ cân đối tất cả đối tượng, không thể vì quyền lợi của cơ quan quản lý mà "bóp chặt" doanh nghiệp và không phải vì doanh nghiệp mà buông hết", bà Hương nói.
Dự kiến, nội dung về Luật Quảng cáo sửa đổi được xin ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới và thông qua vào tháng 5/2025.
Ở góc độ cơ quan quản lý tại địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hóa.
Lấy dẫn chứng về di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội thu hút lượng khách du lịch lớn và đóng góp lớn vào ngân sách thành phố, ông Hồng cho biết việc này do ban quản lý di tích này đã thay đổi cách làm. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, các cơ quan, đơn vị liên quan đều phải chuyển mình, kể cả với ngành quảng cáo.
"Đừng xác định việc này của đơn vị nọ, đơn vị kia. Đây là việc của chúng ta phải bàn, phải làm để thay đổi bức tranh về ngành quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời. Cần xây dựng bức tranh mới cho ngành để đạt mục tiêu là ngành công nghiệp văn hóa", Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.
Theo ông Hồng, vấn đề hình thành các khu dịch vụ thương mại, quảng cáo từng được đề cập nhưng doanh nghiệp còn e ngại trong việc thực hiện.
Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Hồng cho rằng doanh nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ hơn bởi quảng cáo là ngành sáng tạo, cần tạo ra các sản phẩm khách hàng cần, tạo ra dịch vụ để kết nối khách hàng với các sản phẩm quảng cáo mình tạo ra.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách được xây dựng, sửa đổi thời gian tới cũng cần phải tạo chuyển biến thực sự cho ngành quảng cáo.