Mẹ Elon Musk nuôi con đơn thân trong khó khăn nhưng tất cả đều thành tỷ phú và triệu phú tự thân: Chỉ có 2 bí kíp mà cha mẹ Việt ít người làm được
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 15:18, 11/04/2024
Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay Elon Musk là một bà mẹ đơn thân từ năm 31 tuổi. Bên cạnh ông chủ Tesla, bà còn 2 người con xuất chúng nữa là con trai Kimbal Musk - chủ chuỗi nhà hàng và con gái Tosca Musk - một nhà làm phim. Không cần đến sự trợ giúp của người anh nổi tiếng, cả 2 em của Elon Musk đều tự thành công trên lĩnh vực riêng của mình và trở thành triệu phú.
Việc nuôi dạy được cả 3 con đều vô cùng xuất sắc dù là mẹ đơn thân không phải dễ dàng. Bà Maye Musk vẫn làm công việc toàn thời gian để kiếm tiền nuôi con trong thời gian 3 anh em còn nhỏ. Nói về cách dạy con, người phụ nữ 75 tuổi cho biết mình chỉ có 2 bí kíp đơn giản.
Chia sẻ với CNBC, bà cho biết: “Mọi người thường hỏi tôi làm cách nào để nuôi dạy những đứa trẻ thành công như vậy. Tôi trả lời rằng tôi dạy chúng về sự chăm chỉ và để con làm theo sở thích của mình”.
Dạy con về sự chăm chỉ
Nhiều cha mẹ thời hiện đại ngày nay có tư tưởng bảo bọc con, cho con những điều kiện chăm sóc tốt nhất mới là tốt. Tuy nhiên Maye Musk đã làm ngược lại, bà để con làm việc và dạy con tầm quan trọng của sự chăm chỉ từ nhỏ.
Maye học được nguyên tắc này từ chính cha mẹ mình. Từ khi mới 8 tuổi, bà và em gái đã giúp cha làm việc trong phòng khám chỉnh hình của ông và được cha trả lương. Về sau, cả 3 anh em Elon Musk đều làm việc như vậy tại trường đào tạo người mẫu và trung tâm dinh dưỡng do mẹ điều hành.
“Trẻ em không cần được bảo vệ khỏi thực tế trách nhiệm. Các con tôi được hưởng lợi vì chúng thấy tôi làm việc chăm chỉ để có đủ miếng ăn cho cả gia đình", Maye nói.
Nhiều cha mẹ khác của các tỷ phú cũng có quan điểm tương tự. Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates cho biết cha mẹ đã thúc đẩy ông phải kiên trì tham gia các hoạt động mà bản thân ông không giỏi như bơi lội, bóng đá và chơi kèn trombone,... Đây đều là những hoạt động giúp ông rèn được tính kiên trì và chăm chỉ sau một thời gian cố gắng.
Khuyến khích con chăm chỉ không nhất định phải là ép con lao động. Cha mẹ có thể cho con làm việc nhà hay cổ vũ con làm một việc đến cùng, không được bỏ cuộc dễ dàng. Trẻ cũng sẽ hiểu được giá trị của đức tính chăm chỉ sau khi vượt qua những thử thách như vậy.
Để con tự chịu trách nhiệm
Maye cũng yêu cầu các con của mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về con đường cuộc đời và sự nghiệp của riêng mình. 3 anh em nhà Musk phải tự chọn trường trung học, trường đại học và hoàn thành các mẫu đơn đăng ký, nhập học mà không có sự giúp đỡ, góp ý của mẹ.
“Tôi nuôi dạy các con mình như cha mẹ đã nuôi dạy tôi khi còn nhỏ. Tôi dạy chúng tính tự lập, tốt bụng, trung thực, ân cần và lịch sự. Tôi dạy họ tầm quan trọng của việc làm việc chăm chỉ và làm những điều tốt. Tôi không đối xử với chúng như trẻ con hay la mắng chúng bao giờ. Tôi chưa bao giờ bảo họ phải học gì. Tôi không bao giờ kiểm tra bài tập về nhà của con; đó là trách nhiệm của chúng”, bà cho biết.
Là một nhà tư vấn về dinh dưỡng và tâm lý, Maye Musk cũng nhận thấy nhiều bậc cha mẹ ngày nay dễ bị căng thẳng vì họ lo lắng quá nhiều cho con cái. Họ lo và “làm hộ” cho con từng chút một từ việc xin nhập học, làm giấy tờ thủ tục đi học hay thậm chí là lo việc làm cho con.
Maye nói: “Lời khuyên của tôi? Hãy để con bạn tự xử lý các tài liệu và vấn đề của mình khi chúng đi học và sau này là đi làm. Họ phải chịu trách nhiệm cho tương lai của mình. Hoặc nếu họ muốn khởi nghiệp kinh doanh và bạn nghĩ đó là một ý tưởng hay, hãy ủng hộ họ. Hãy dạy con bạn cách cư xử tốt. Nhưng hãy để họ quyết định những gì họ muốn”.
Tuy nhiên, theo bà, bắt trẻ phải trách nhiệm là chưa đủ. Bà còn khuyến khích các bậc cha mẹ khác ngưng chiều chuộng con cái, không để con sống quá thừa thãi về mặt vật chất.
Vào thời 3 con đã vào đại học, dù hoàn cảnh gia đình đã khá hơn nhưng các con Maye vẫn phải sống trong điều kiện rất bình thường. Theo bà miêu tả, các con phải “ngủ nệm trên sàn, ở với 6 người bạn cùng phòng hoặc trong một ngôi nhà đổ nát". Bà mẹ đơn thân chỉ can thiệp để đảm bảo con được an toàn về mặt thể chất.
Theo Đời sống Pháp luật