Nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh lý thần kinh Parkinson tại Việt Nam
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:53, 11/04/2024
Tỉ lệ người bệnh gia tăng
Bác sĩ Nguyễn Phương Trang - Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, Parkinson là một bệnh lý thần kinh, biểu hiện bởi sự rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương làm cho tế bào trong não bị thoái hóa, thiếu hụt dopamine.
Bệnh gây ra các rối loạn vận động, khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ. Thậm chí, người mắc bệnh Parkinson còn có thể mất đi một số chức năng vật lý bình thường. Tỉ lệ người bệnh Parkinson tại Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng.
Các triệu chứng bệnh Parkinson thường bắt đầu ở một bên cơ thể. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể bị rối loạn chức năng vận động ở cả hai bên. Tuy nhiên, các triệu chứng thường chỉ nghiêm trọng ở một bên cơ thể (thường là bên có các dấu hiệu khởi phát bệnh).
Biến chứng của bệnh Parkinson thường xảy ra ở những bệnh nhân không điều trị bệnh sớm, bệnh bước vào giai đoạn trễ. Những biến chứng phổ biến như sa sút trí tuệ, lú lẫn, kém minh mẫn; nguy cơ té ngã cao dẫn đến các chấn thương (gãy xương, đứt dây chằng, chấn thương sọ não); sụt cân, suy kiệt; viêm phổi, khó thở; nhiễm trùng đường tiểu gây nên tình trạng nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mạn tính hoặc nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong.
Ghi nhận nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh Parkinson
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận người bệnh L.K.O (59 tuổi, TPHCM) được chẩn đoán và đã điều trị bệnh Parkinson bằng thuốc trong 10 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiệu quả điều trị đã giảm dần, mỗi cữ thuốc chỉ còn tác dụng trong khoảng 2,5 giờ. Người bệnh còn gặp phải loạn động và ảo giác khi sử dụng thuốc.
Sau khi được tư vấn, người bệnh đã đồng ý phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu. Một tháng sau, các triệu chứng của người bệnh được cải thiện tốt, không còn hiện tượng loạn động, không ảo giác, hiện tượng "tắt" thuốc giảm đáng kể và liều lượng thuốc cũng được giảm 50% so với trước khi mổ.
Theo TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó trưởng Khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đối với người bệnh Parkinson giai đoạn sớm, điều trị bằng thuốc kết hợp tập thể dục, tập vật lý trị liệu đã có thể giúp người bệnh cải thiện chức năng sinh hoạt và vận động.
Ở người bệnh Parkinson giai đoạn tiến triển, khó kiểm soát bằng việc uống thuốc thông thường, có thể áp dụng những tiến bộ trong điều trị bệnh Parkinson trên thế giới hiện nay. Người bệnh có thể cân nhắc thực hiện các phương pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật kích thích não sâu, truyền Apomorphine, bơm Levodopa hỗng tràng hoặc truyền Levodopa dưới da.
ThS.BS Đặng Thị Huyền Thương - Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, hiện Việt Nam đã ứng dụng phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu - một trong những tiến bộ điều trị bệnh Parkinson trên thế giới. Đây là phương pháp phẫu thuật thần kinh chức năng, sử dụng các điện cực được cấy vào não để kích thích điện của các vùng não cụ thể, nhằm giảm các triệu chứng như run, đơ cứng và cử động chậm chạp.
Theo dõi kết quả sau phẫu thuật cho thấy người bệnh đã có những thay đổi tích cực trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh như run tay chân, hụt hơi, cải thiện tốc độ, độ chính xác của các chuyển động trong cơ thể và nhiều vấn đề về tinh thần.