Hiện tượng Xiaomi SU7 và công thức gây sốt của xe điện Trung Quốc
Soi xe - Ngày đăng : 11:05, 11/04/2024
Cơn sốt Xiaomi SU7 đang là vấn đề chính được bàn tán sôi nổi khi là mẫu xe điện đầu tiên của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi ra mắt, lại tạo nên một hiện tượng “bão đơn đặt hàng” lớn đến như vậy.
Theo chính phía Xiaomi chia sẻ, chỉ sau 27 phút mở bán chính thức, đã có tới 50.000 chiếc SU7 được khách hàng “chốt đơn” và tính tới thời điểm hiện tại, đã có tới hơn 100.000 chiếc được người tiêu dùng đặt mua. Có thể nói, đây là doanh số mà không ít các nhà sản xuất xe điện toàn cầu đều mơ ước, với một thời gian bán hàng ngắn kỉ lục.
Không những vậy, sự tác động mạnh mẽ từ cú huých SU7 đã giúp cho cổ phiếu của Xiaomi tăng mạnh về giá trị. Các phiên giao dịch chứng khoán sau đó cho thấy, giá cổ phiếu tăng mạnh đã đẩy giá trị vốn hóa của công ty công nghệ Trung Quốc này lên dao động từ 49 - 55 tỷ USD tùy phiên, tương đương với mức giá trị vốn hóa khá ổn định của 2 ông lớn xe hơi Mỹ là Ford (53 tỷ USD) và GM (52 tỷ USD).
Trong quá khứ, Wuling cũng từng tạo ra một cơn sốt về doanh số tương tự Xiaomi khi cho ra mắt mẫu xe điện Hongguang Mini EV, trở thành chiếc xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc và thế giới trong 2 năm 2020-2021.
Vậy, đâu là công thức thành công của những màn chào sân ấn tượng của các hãng xe điện Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay?
Chính sách giá rẻ
Giá rẻ từ lâu đã được gắn liền với sự thành công của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc khi từ một nước nhập khẩu ô tô với số lượng lớn, trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô số 1 thế giới, vượt mặt đối thủ Nhật Bản kể từ năm 2023.
Các hãng xe mới đều áp dụng chiêu cạnh tranh về giá như vậy đối với các sản phẩm trong phân khúc của mình.
Đối với Hongguang Mini EV, với giá bán chỉ khoảng 5.000 USD ở thị trường trong nước, Wuling đã lập kỷ lục về doanh số với hơn 1,3 triệu chiếc được bán ra kể từ khi ra mắt vào tháng 6/2020 cho tới nay, trở thành “gà đẻ trứng vàng” của liên doanh SGMW và liên tục giữ ngôi vương xe điện mini bán chạy nhất thế giới.
Để có giá thấp như vậy, Wuling Hongguang Mini EV cắt giảm tối đa các option về an toàn và tiện nghi, chi phí chế tạo cực thấp.
Cùng với đó, sự tận dụng tối đa chính sách trợ giá của chính phủ Bắc Kinh đối với xe điện trong thời kỳ này. Nhờ được Nhà nước bù lỗ nên mức giá "rẻ không tưởng" 5.000 USD mỗi chiếc xe điện về bản chất chưa phải là giá thị trường cạnh tranh.
Ngược lại, Xiaomi áp dụng chính sách giá bán rẻ nhất trong phân khúc sedan điện hạng trung, tính cạnh tranh cao thông qua việc hãng áp dụng chiến lược chấp nhận “bán lỗ”, tức bán dưới giá thành để lấy doanh số. Theo Reuters trích dẫn báo cáo của tổ chức nghiên cứu Citi Research nhận định, Xiaomi hiện đang có thể chịu lỗ lên tới gần 10.000 USD cho mỗi xe điện SU7 mới. Dẫu vậy, đây vẫn là mức lỗ “có thể chấp nhận” với ông lớn công nghệ Trung Quốc đang chập chững bước vào ngành ô tô.
Giá bán chỉ 29.900 USD cho SU7 phiên bản cơ sở (tương đương khoảng 705 triệu đồng) là mức rẻ hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Tesla Model 3 tới gần 4.000 USD, trong khi đó, hiệu suất động cơ được quảng cáo là vượt cả Model 3. Cùng đó, mẫu xe lại được trang bị đầy đủ các công nghệ hiện đại, là thành tựu của Xiaomi. Đây là điều mà các nhà sản xuất "thuần ô tô" lâu đời không có được.
Đánh trúng nhu cầu của khách hàng
Sự thành công về doanh số bước đầu của các hãng xe điện là do đánh vào nhu cầu của thị trường xe điện Trung Quốc ở từng giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn 2019 - 2020, thị trường xe điện Trung Quốc còn ở thời kỳ non trẻ, người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xe điện rộng rãi. Đây cũng là thời kỳ “trăm hoa đua nở” của ngành xe điện quốc gia châu Á này, khi mà chính tỷ phú Elon Musk chia sẻ rằng, vào năm 2019, có tới hơn 500 hãng xe điện nội địa khác nhau đã có mặt tại đây. Wuling đã nhận diện đúng thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc ở thời kì này, khi họ chưa sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho loại hình phương tiện xanh kiểu mới.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn từ năm 2022 cho tới nay, công nghiệp xe điện Trung Quốc tiến tới chuyên nghiệp hóa. Cùng với đó, xuất hiện cuộc chiến về giá cả do Tesla khơi mào kể từ cuối năm 2022, đồng thời chính phủ Bắc Kinh cũng ngừng chính sách trợ cấp cho người mua xe điện, khiến cho hàng loạt các hãng xe điện khởi nghiệp tại Trung Quốc phá sản hoặc bị thâu tóm do không đủ khả năng cạnh tranh. “Cuộc chơi” giờ đây chỉ còn lại những ông lớn, có năng lực sản xuất và tiềm lực kinh tế dồi dào.
Người Trung Quốc cũng có một cái nhìn cởi mở hơn với xe điện, khi quốc gia này là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ hay Liên minh châu Âu, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho phương tiện tương lai này. Vì vậy, mấu chốt không chỉ còn nằm ở giá cả, mà còn ở chất lượng xe, với các option trang bị, công nghệ, tiện nghi và bề ngoài bắt mắt và đặc biệt là thị hiếu đã khác.
Về mặt kinh tế học, một “tân binh” mới áp dụng chiến lược bán rẻ có thể ngay lập tức mang về số lượng lớn đơn hàng, đẩy mạnh doanh số của hãng. Việc dây chuyền sản xuất được vận hành hết công suất với cường độ cao thông qua “bão đơn hàng” có thể tối ưu chi phí sản xuất và từ đó tạo cơ hội giảm giá thành sản xuất. Theo phía Xiaomi, họ đã đạt được khả năng sản xuất tự động cao với cứ mỗi chiếc xe điện mới có thể ra lò sau 76 giây.