Người phụ nữ đầu tiên dám bỏ chồng, thoát khỏi tục bó chân
Gia đình - Ngày đăng : 21:16, 10/04/2024
Sinh năm 1900 trong một gia đình giàu có ở Gia Định, thị trấn ngoại ô Thượng Hải, năm 3 tuổi, Trương Ấu Nghi đã thoát khỏi cuộc đời được định sẵn giống như những người phụ nữ trong gia đình mình.
Thoát khỏi tục bó chân
Vào một buổi tối nọ, bà vú đứng cạnh giường Ấu Nghi đưa cho cô một chiếc bánh bao và bảo cô ăn hết - một đặc ân hiếm khi Ấu Nghi nhận được. “Nó sẽ xoa dịu con”, bà vú nói mặc dù lúc đó Ấu Nghi bé nhỏ không hiểu ý bà là gì.
Hóa ra, mẹ Ấu Nghi và bà vú đang chuẩn bị bó chân cho con gái.
Sáng hôm sau, họ ngâm các ngón chân và gót chân của Ấu Nghi vào nước ấm, gập các ngón chân vào lòng bàn chân và buộc chúng bằng những dải vải bông dày màu trắng. Ấu Nghi hét lên đau đớn, vùng vẫy khi bị mẹ đè xuống ghế.
Tiếng la hét của cô bé có thể là vì kinh hoàng khi nhận ra mình không thể tự do đi lại được nữa. Cho đến thời điểm đó, Ấu Nghi từng nghĩ tất cả những việc cô thích như chạy khắp nhà, chơi trốn tìm trong vườn với anh em trai... luôn có thể làm được.
Mỗi đêm, khi mẹ và bà vú đến thay quần áo và thắt chặt dây trói, Ấu Nghi lại vùng vẫy, la hét. Âm thanh đau khổ ấy vang vọng khắp nhà. Nó ám ảnh đến mức anh trai thứ hai của Ấu Nghi là Trương Quân Mại, lúc đó 18 tuổi, không thể chịu đựng được.
Anh đến cầu xin mẹ tháo băng chân cho em gái và nói: "Đây không phải là tương lai". Người mẹ phản đối và nói không ai muốn cưới một cô gái không bó chân. Người anh nghiêm túc đáp: “Nếu không có ai cưới em ấy thì con sẽ chăm sóc em”.
Nhìn thấy vẻ tuyệt vọng trên khuôn mặt con trai, người mẹ mủi lòng, kéo băng ra khỏi chân con gái trong khi Ấu Nghi khóc nức nở vì nhẹ nhõm.
Sự kiện này đã tạo nên “giai điệu” cho phần còn lại của cuộc đời Ấu Nghi – những biến cố và lựa chọn mà bà đã viết trong cuốn hồi ký năm 1996 có tên Bound Feet & Western Dress (Đôi chân bó và chiếc váy phương Tây).
Khi đang theo học trường nội trú ở Tô Châu (Giang Tô), Ấu Nghi phải bỏ dở việc học để lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ. Năm ấy, bà 15 tuổi, còn chồng bà - Từ Chí Ma - 18 tuổi.
Từ Chí Ma cũng sinh ra trong một gia đình giàu có. 3 năm sau khi kết hôn, ông đi du học ở Anh và Mỹ. Ở Mỹ, ông học Đại học Columbia. Ở Anh, ông học Trường Kinh tế London và Đại học Cambridge. Tất cả đều là những ngôi trường danh giá.
Sau 5 năm ở nước ngoài, ông về quê hương để cách mạng hóa thơ ca Trung Quốc và trở thành một trong những tác giả Trung Quốc nổi tiếng nhất đầu thế kỷ 20.
Bà Ấu Nghi lần đầu tiên có được địa vị là vợ của một người đàn ông thông minh và thành đạt. Nhưng cuối cùng, bà cũng có những bước tiến của riêng mình với tư cách là một người phụ nữ độc lập.
Trong suốt 88 năm cuộc đời, bà đã làm được những điều mà ít phụ nữ Trung Quốc có thể làm được vào đầu thế kỷ 20 - sự nghiệp và cuộc sống trải dài khắp thế giới, trong khi vẫn nuôi dạy tốt con trai và các cháu.
Cuộc ly hôn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc
Trong những năm xa chồng, bà Ấu Nghi đã tận tâm nuôi dạy người con trai Từ Tích Khải. Năm 1920, 2 năm sau khi ông Từ Chí Ma rời Trung Quốc, bà đã vượt đại dương để đoàn tụ với chồng.
Khi hai người gặp nhau, họ nhận ra rằng mối quan hệ vợ chồng ngày càng xa cách. Và về cơ bản, họ đã phát triển những triết lý sống khác nhau.
Khi đang theo học Đại học Cambridge, ông Từ nhận ra mình muốn trở thành một nhà thơ. Tham vọng của ông là giới thiệu phong cách thơ phương Tây cho giới trí thức Trung Quốc và cách mạng hóa văn học truyền thống.
Ông cũng có ý định theo đuổi cuộc sống của một người đàn ông hiện đại. Điều đó có nghĩa là bác bỏ những truyền thống cổ xưa, bao gồm cả cuộc hôn nhân sắp đặt với bà Ấu Nghi.
Năm 1922, ông yêu cầu ly thân hợp pháp với vợ, và cuối cùng cả hai đi đến ly hôn – cuộc ly hôn đầu tiên theo phong cách phương Tây trong lịch sử Trung Quốc.
Lúc đầu, bà Ấu Nghi rất suy sụp. Bà chỉ có một mình ở nơi xứ người, hầu như không nói được tiếng Anh và đang mang thai đứa con thứ 2. Bà chuyển từ Anh đến Paris (Pháp), rồi sang Berlin (Đức).
Ở những nơi này, bà được học tiếng, đồng thời học cách làm việc với trẻ em với tư cách là một nhà giáo dục theo phương pháp Montessori. Chính trong giai đoạn này của cuộc đời, bà đã tìm thấy sức mạnh nội tại.
Không còn là một người vợ truyền thống, bà vươn lên, gánh vác toàn bộ tài chính cho gia đình nhỏ ở một đất nước xa lạ, nói thứ ngôn ngữ mà bà mới bắt đầu tìm hiểu.
Nhìn lại quãng thời gian đầy biến động đó, bà đã viết một câu nổi tiếng trong cuốn tiểu sử của mình: “Tôi đã tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ phụ thuộc vào đàn ông nữa”. Và bà đã thực hiện tốt lời hứa đó.
Làm lại cuộc đời
Năm 1926, sau khi con trai thứ hai - Peter qua đời vì nhiễm trùng máu khi mới 3 tuổi, bà trở lại Thượng Hải, trở thành tâm điểm của những đàm tiếu vì là người Trung Quốc đầu tiên ly hôn. Thế nhưng, bà vẫn kiên trì và thành công khi trở thành nữ phó chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Tiết kiệm Phụ nữ Thượng Hải.
Bà xây dựng những ngôi nhà xinh đẹp cho bản thân và bố mẹ chồng cũ trong khu tô giới Pháp. Bà cũng một mình nuôi con trai cả.
Ở tuổi 21, con trai bà - Từ Tích Khải - kết hôn với Julia Chang ở Thượng Hải. Vào thời điểm họ quyết định di cư sang Mỹ để học tiếp, hai vợ chồng đã có với nhau 4 người con: Angela, Fern, Margaret và Tony.
Cách duy nhất mà các con bà có thể theo đuổi sự nghiệp ở trời Tây là giao con cho bà chăm sóc.
Khi ấy, bà Ấu Nghi 48 tuổi, độ tuổi mà hầu hết những người phụ nữ có điều kiện thời đó đều đang bước vào những năm hoàng kim. Tuy nhiên, bà chấp nhận chăm sóc cả 4 đứa cháu.
Vào cuối những năm 1940, cuộc sống của bà và các cháu có nhiều biến động. Bà rời Thượng Hải, qua phía Nam, sau đó định cư ở Macau, rồi lại chuyển đến Hong Kong.
Ở tuổi gần 50, bà bỏ lại toàn bộ sự nghiệp, bất động sản và tài sản của mình ở Thượng Hải để đối mặt với viễn cảnh thực sự khó khăn khi bắt đầu lại từ đầu với 4 đứa cháu.
Bà tư vấn cho các cặp vợ chồng trẻ và sinh viên khi họ gặp vấn đề trong mối quan hệ,. Bà cũng là chỗ dựa cho hàng nghìn người mới đến Hong Kong. Quan trọng hơn, bà cũng tìm được tình yêu mới cho mình.
Sau khi các cháu rời Hong Kong đến New York vào năm 1952 để đoàn tụ với cha mẹ, bà kết hôn với người chồng thứ hai, bác sĩ Tô Quý Chi và trở thành mẹ kế của 4 đứa con chồng. Các con riêng của bác sĩ Tô lớn hơn các cháu của bà khoảng 8 đến 10 tuổi.
Bà chuyển từ việc chăm sóc 4 đứa trẻ sang quản lý một gia đình có 4 thiếu niên sắp trưởng thành, mỗi người trong số đó đều gặp khó khăn về sức khỏe.
Sau này, một trong những cô con gái riêng của bác sĩ Tô chia sẻ rằng, mặc dù cô không đánh giá cao sự nghiêm khắc của mẹ kế vào thời điểm đó, nhưng cô đánh giá cao cách mà bà đã lập lại trật tự cho gia đình, đôi khi khiến cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn một cách đáng kinh ngạc.
Với những người mới chuyển đến Hong Kong, bà như một nhà lãnh đạo. Kể cả với bạn bè, bà là người mà những người khác luôn tìm đến để xin lời khuyên.
Con trai bà từng kể, khi đi dạo phố với mẹ, họ liên tục bị chặn lại bởi những người muốn cảm ơn bà. “Tất cả họ đều cảm thấy biết ơn về những điều tốt đẹp mà bà đã làm cho các tổ chức từ thiện và cho những gia đình gặp khó khăn. Tôi rất ấn tượng với số lượng người biết đến bà” – ông Tony nói.
* Bài viết dựa trên lời kể của tác giả Alexandra Hsu – chắt nội của bà Trương Ấu Nghi - về hành trình thoát khỏi những hủ tục ràng buộc người phụ nữ để trở thành một hình mẫu phụ nữ hiện đại và tự do.