Sông Đáy quê tôi
Du lịch online - Ngày đăng : 09:37, 10/04/2024
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Đáy quê tôi của tác giả Nguyễn Như Phong.
Quê nội tôi ở thôn Bài Lâm, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, chỉ cách bờ sông Đáy chưa đầy trăm mét.
Bây giờ, đã có tuổi, mỗi lần về quê, tôi lại ra bờ sông và thấy dòng sông ngày càng thu hẹp hơn. Mỗi lần ra đứng ngắm dòng sông nước chảy lững lờ và vắng vẻ đến hiu quạnh là lại thấy buồn man mác.
Dòng sông bây giờ sao lạ lắm?
Không còn những cảnh trên bến dưới thuyền như ngày xưa, không còn cảnh những chiếc thuyền câu cá, thuyền đánh cá đan nhau trên dòng sông nước trong xanh.
Càng không còn những chú trâu lấm lem bùn đất, chen nhau chạy xuống dầm mình trong làn nước trong xanh và ngóc mũi lên thở phì phì.
Cũng chẳng còn tiếng cười đùa của đám trẻ tắm trên sông và càng không có những bà, những chị đi gánh nước sông về…
Nước sông bây giờ cũng không còn xanh trong nữa mà là một thứ nước nhờ nhờ xanh. Bây giờ, không ai dám gánh nước sông về dùng. Không ai dám xuống sông tắm, không con trâu nào ra sông đằm mình và cũng chẳng ai dám đánh cá ở sông về ăn vì sợ ô nhiễm.
Mỗi lần ra đứng bên bờ sông là bao nhiêu kỷ niệm chợt ùa về.
Năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ mở rộng ra toàn miền Bắc, Hội Nhà văn Việt Nam sơ tán về quê tôi. Cái làng quê bé nhỏ, nghèo nàn vốn chẳng ai biết nay bỗng nổi tiếng bởi có các nhà văn danh tiếng về… Các thầy cô giáo ở Trường cấp II xã Hồng Quang có thể thoải mái tới trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ như Chế Lan Viên, Vũ Thị Thường, Xuân Sách, Đỗ Quang Tiến, Võ Huy Tâm, Tế Hanh, Vũ Tú Nam, Bùi Hiển… có thể đi bắt cóc cùng nhà văn Đoàn Giỏi về làm chả, đi bơi cùng nhà văn Võ Huy Tâm, hoặc nghe nhà thơ Xuân Sanh đọc thơ…
Tôi học lớp 5 cùng với anh Đỗ Quang Huyên, con trai thứ 4 của nhà văn Đỗ Quang Tiến, Vũ Huy con nhà văn Vũ Tú Nam, Võ Thị Tân, con gái nhà văn Võ Huy Tâm…
Xin nói thêm về Đỗ Quang Huyên. Anh Huyên là em trai giáo sư Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam, là em trai nhà báo Đỗ Quang Hoàn, và là anh của nhà báo Đỗ Quang Hạnh. Anh Huyên đi bộ đội vào cuối năm 1972 và đã hy sinh. Huyên là người đẹp trai nhất nhà và tính nết điềm đạm, không có những trò nghịch tinh quái như bọn tôi.
Nghịch nhất trong bọn là Vũ Huy. Cùng tuổi nhau, nhưng Huy cao hơn hẳn chúng tôi và rất có hoa tay về vẽ. Sau này, Vũ Huy là họa sĩ ở Xưởng phim truyện Việt Nam
Những năm học lớp 5, lớp 6 ở trường Hồng Quang, tuổi thơ chúng tôi gắn với dòng sông Đáy.
Chả có thầy nào dạy nhưng chúng tôi bơi rất giỏi, cứ đứa biết bơi trước dạy đứa sau… Đầu tiên là học bơi chó, hai tay cào cào nước như hai chân chó, rồi sau bơi ếch, bơi sải. Dòng sông rộng khoảng hơn trăm mét, nhưng chúng tôi bơi qua, bơi lại vài ba lần lần bình thường. Cứ chiều về, chúng tôi lại ra sông tắm và lặn mò con hến, con trai. Ngày ấy, trai hến nhiều vô kể. Cứ hì hụp lặn khoảng một giờ thế nào cũng được bữa canh.
Mùa hè, chúng tôi ra sông tắm có khi vài ba tiếng. Mà bọn trẻ chúng tôi tắm truồng là chủ yếu. Rồi thậm chí giặt quần đùi trước, đem lên bãi có phơi, rồi lại lao xuống sông, khi nào khô quần thì lên. Tắm sông, bơi nhiều cũng khát nước. Và khi nào khát thì lặn xuống đáy sông để uống nước… Chẳng biết ai bảo là nước đáy sông sạch hơn nước mặt, nhưng chúng tôi cứ uống đến kễnh bụng mà không thấy đau bụng bao giờ.
Tháng 6, tháng 7, trời nắng gắt, làm nước trên mặt sông cũng nóng. Nhưng nước ở đáy sông rất mát, nên uống thích lắm. Rồi để có hàm răng trắng, chúng tôi lặn xuống, móc cát lên xát vào răng…
Thích nhất là đi câu mùa nước lũ. Dòng nước đục ngầu chảy cuồn cuộn… Chúng tôi phải chọn vũng nước xoáy gần bờ để câu. Mồi câu là giun xoăn đào ngay trên bãi cỏ. Thích nhất là khi câu được những chú cá bò vàng ươm, cá ngạnh trắng bạc và khi lên bờ, chúng kêu kẹc kẹc… Bắt, gỡ cá ngạnh cá bò là phải rất cẩn thận, vì nhỡ bị ngạnh cá đâm vào tay, buốt lên tận óc.
Ba tháng nghỉ hè, chúng tôi quên hết sách vở, suốt ngày sống ngoài bờ sông, ngoài cánh đồng để đi bơi, câu cá, bắn chim, đập nhái về làm chả…
Nhà văn Võ Huy Tâm thì có cách dạy các con bơi cực kỳ độc đáo và không giống bất cứ ai.
Số là ở gần bến sông có một cây gỗ vùi trong lòng đất từ bao đời. Do dòng sông lở nên cây gỗ lộ ra, vươn ra ngoài sông khoảng dăm mét, thành cây cầu gỗ. Chúng tôi rất thích chơi đùa trên cầu gỗ này. Nhà văn Võ Huy Tâm bắt chị Tân và anh con trai tên là Thắng ra cầu gỗ tập bơi. Ông đẩy từng đứa xuống sông và mặc kệ cho vùng vẫy, uống nước đến phát sặc… Khi thấy con sắp chìm, ông lại nhảy xuống, lôi lên cầu và lại động viên các con bằng tiếng Pháp: “A văng xê! A văng xê!” (L’avance - tiến lên)… Chỉ sau hai ngày được tập bơi theo kiểu ấy, Tân và Thắng biết bơi.
Ngay sau nhà tôi, sát bờ sông có một cây đa to. Mỗi khi có máy bay Mỹ vào đánh phá Hà Nội, chúng tôi lại ngồi ở gốc đa mọc sát bờ sông xem máy bay. Vùng trời quê tôi ngày ấy là vùng không chiến của không quân ta và không quân Mỹ. Mỗi khi có trận không chiến là cả vùng trời quê tôi như sôi lên bởi tiếng gầm rú của máy bay. Và lúc ấy, cũng chả phân biệt được chiếc nào là của ta, chiếc nào của địch. Chỉ khi nào thấy máy bay nghiêng cánh, nhìn thấy cờ đỏ sao vàng trên cánh thì mới nhảy cẫng lên hò reo “Máy bay ta! Máy bay ta!”
Cũng có khi máy bay Mỹ sà xuống thấp bay dọc dòng sông, gầm như tiếng sét và không còn gì kinh hoàng hơn khi thấy chiếc máy bay to như con thuyền bay qua, in bóng lên mặt đất…Và cũng không gì sung sướng hơn khi máy bay Mỹ bị bắn cháy…
Người dân đang trú ẩn trong các hầm cá nhân đào ven đường, bọn trẻ chúng tôi ngồi dưới các lùm cây đều nhảy ra hò hét “máy bay Mỹ rơi rồi… rơi rồi!”. Chủ đề câu chuyện của ngày hôm sau là chiếc máy bay đó rơi ở đâu, ai lấy được mảnh đuy-ra để về gò nồi, gò xoong…
Ngày giáp Tết, bến sông vui như hội. Người ra cọ rửa nồi niêu, xong chảo, cọ đồ thờ rồi giặt giũ chăn, màn, quần áo đón Tết. Khoảng ngày 27 đến sáng 30, bến sông nườm nượp người làm thịt lợn, rửa lá bánh, vo gạo, đãi đỗ… Từ sáng mùng 2 Tết, chỗ cây đa, người ta làm một cây bương cắm chìa ra sông. Và trò chơi vui nhất là đi trên bương ra đốt pháo. Ai đốt được quả pháo tép treo ngoài cùng thì được thưởng một gói chè Ba Đình, hoặc bao thuốc lá Trường Sơn… Mỗi khi có người ngã lộn cổ xuống sông là mọi người lại hò reo thích thú.
Sông Đáy ngày ấy không chỉ là dòng sông vận tải mà còn là nguồn sống của rất nhiều người ven sông, là một nơi sinh hoạt văn hóa và cả tín ngưỡng. Dòng sông Đáy từng đi vào thơ, ca ngày xưa giờ không còn chút gì là thơ mộng cả.
Dọc dòng sông Đáy từ trên thị trấn Phùng của Đan Phượng đổ về có bao nhiêu cơ sở sản xuất đang thoải mái xả thải ra sông.
Báo cáo kết quả quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội mới đây cho thấy, hàm lượng các chất hữu cơ, vô vơ có trong nước mặt sông Đáy đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể, so với quy chuẩn, một số chỉ tiêu như Amoni, Nitrit hay khuẩn E.Coli vượt ngưỡng cho phép từ 1,3 - 3,24 lần.
Một nguyên nhân khác cũng được đánh giá là tác nhân lớn khiến sông Đáy chết dần, chính là sản xuất của các làng nghề và hoạt động chăn nuôi ven sông. Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình - Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy, từng thông tin với báo chí ven sông Đáy thuộc địa phận đơn vị quản lý hiện có 432 điểm xả thải. Nhưng theo ông Trần Anh Tuấn, số điểm xả thải trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
Nguồn cung cấp nước chính cho sông Đáy chủ yếu vẫn là các nhánh sông Tích, sông Nhuệ, sông Hoàng Long và sông Nam Định, cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Cho nên, sông Đáy vẫn chảy xuôi, vẫn có những cơn lũ, nhưng từ khi có thủy điện Hòa Bình thì lũ về ngày càng ít và dòng sông ngày càng vô hồn, đang thoi thóp…
Từ quê tôi ngược dòng Đáy đi lên khoảng hơn 10km, là quê một nhà thơ, nhà văn tài danh rất nặng lòng với dòng sông - đó là Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Thiều quê ở làng Chùa, xã Sơn Công huyện Ứng Hòa. Nhà Thiều cách bờ sông Đáy không xa và tuổi thơ của Thiều cũng gắn liền với dòng sông cổ tích.
Nguyễn Quang Thiều đã có một bài rất hay về sống Đáy, và bài thơ đó đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Bài thơ có những đoạn, mà đọc xong chỉ thấy muốn úp mặt vào dòng sông mà khóc:
“Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lạiNhững cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởiEm đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nướcTôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãiTôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.
Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại
Mẹ tôi đã già như cát bên bờ
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi
Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt
Tôi khóc.
Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng.”
Nguyễn Như Phong Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông. Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải. Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html