Năm loại phụ kiện ô tô gây hại không ngờ, nên cân nhắc khi gắn lên xe

Xa lộ - Ngày đăng : 08:44, 10/04/2024

Bọc vô lăng, chốt dây an toàn giả, vè che mưa hay những vật trang trí trên táp lô,... là những phụ kiện chẳng những không có nhiều lợi ích khi vận hành mà còn có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến an toàn khi lái xe.

Dưới đây là 5 món phụ kiện trên ô tô ít tác dụng, còn có thể gây hại cho bạn, nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng hoặc gắn lên xe:

1. Bọc vô lăng

Bọc vô lăng bằng da đang được rất nhiều lái xe sử dụng, không chỉ vì thẩm mĩ, mà còn với tâm lý “giữ zin” cho lớp vật liệu vô lăng nguyên bản. Bên cạnh đó, việc tăng kích thước các vị trí cầm, nắm cũng giúp một số người cảm thấy thoải mái hơn khi lái xe.

boc vo lang moc.jpeg
Nếu không được vệ sinh đúng cách, dưới lớp bọc vô lăng sẽ là một... ổ vi khuẩn. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Tuy nhiên, đây là phụ kiện bị nhiều chuyên gia ô tô khuyến nghị không nên sử dụng bởi trong các tình huống khẩn cấp có thể khiến việc kiểm soát vô lăng không còn chính xác. Đặc biệt, nếu không thường xuyên vệ sinh thì phía dưới bọc vô lăng rất dễ tích tụ nước, chất bẩn,... khiến đây thực sự trở thành một ổ vi khuẩn, ảnh hưởng lớn đến những người ngồi trên xe.

2. Vè che mưa

Vè che mưa có mục đích giúp tránh nước bắn vào bên trong khi hạ kính xuống tạo khe hở trong điều kiện trời mưa hoặc đỗ xe trời nắng để lưu thông không khí tốt hơn. Đây là phụ kiện được không ít người lắp thêm và còn được nhiều showroom tặng kèm cho khách. Tuy vậy, phụ kiện này không phải không bộc lộ nhiều điểm yếu, thậm chí gây nguy hiểm cho lái xe.

ve-che-mua-1-1.jpg
Vè che mưa ít nhiều làm giảm tầm nhìn của lái xe và gây ồn ào hơn khi đi với tốc độ cao. (Ảnh: iCar)

Theo nhiều chủ xe, vè che mưa có thể che khuất một phần tầm nhìn, đặc biệt là ở khu vực cột A. Phụ kiện này còn khiến chiếc xe bị tăng độ cản gió, gây ra tiếng "ù ù" vọng vào trong xe. Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng thì vè che mưa sẽ bị lão hoá, lớp keo dán không còn dính chắc khiến phụ kiện này trở nên ọp ẹp, khi bóc ra sẽ nham nhở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

3. Đồ trang trí đặt trên táp lô

Không ít chủ xe có sở thích bày đủ thứ trên mặt táp lô, từ các bức tượng bằng gỗ, đá cho tới mô hình đồ chơi, ốp trang trí, nước hoa, quả cầu pha lê,… Những đồ vật trang trí này đôi khi có kích thước khá “khủng”, không chỉ rối mắt, cản trở tầm nhìn và khiến lái xe mất tập trung mà còn có nguy cơ trở thành mối họa lớn trong những tình huống khẩn cấp.

do vat tren taplo.jpeg
Nhiều chủ xe thích để "cả thế giới" lên mặt tap lô. (Ảnh: Otofun)

Khi xe tăng tốc nhanh hoặc gặp va chạm, lực quán tính có thể khiến chúng làm vỡ kính lái hoặc gây thương tích cho hành khách. Tai hại hơn, nếu các phụ kiện này được đặt lên phần bề mặt che túi khí bên ghế phụ, túi khí nổ với lực rất mạnh có thể làm người ngồi trong khoang lái bị thương nặng.

4. Chốt dây an toàn giả

Chốt cài dây an toàn giả đang được bán đầy trên thị trường với giá siêu rẻ, đáng tiếc là nhiều người Việt chưa ý thức được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô nên phụ kiện này bán khá chạy. Những chủ xe lười sử dụng dây an toàn thường sử dụng phụ kiện này để tránh phải nghe tiếng cảnh báo phát ra liên tục.

chot day an toan gia.jpeg
Chốt an toàn giả giúp "đánh lừa" chiếc xe. (Ảnh: Shopify)

Tuy nhiên, khi va chạm xảy ra, việc không đeo dây an toàn khiến tỷ lệ thương vong cao hơn rất nhiều. Túi khí nổ cũng có thể khiến người ngồi trên xe bị gãy cổ nếu không đeo dây an toàn đúng cách. Do đó, hãy bỏ ngay phụ kiện này và tập thói quen đeo dây an toàn đúng cách mỗi khi ngồi lên xe, kể cả ngồi ở hàng ghế sau.

5. Bọc ghế ngồi bằng hạt gỗ

Bọc ghế bằng hạt gỗ hoặc hạt nhựa cũng là món đồ được nhiều chủ xe bỏ tiền để gắn lên xe với mục đích giúp ghế ngồi thoáng mát, nhất là vào mùa hè. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, những chuỗi hạt này rất không nên sử dụng bởi chúng có thể khiến việc lái xe mất an toàn.

W-boc-ghe-lai-xe-1-1.jpg
Tấm bọc ghế bằng hạt gỗ rất dễ xộc xệch, trơn trượt và ảnh hưởng đến thao tác lái xe. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Với đặc điểm là khá trơn, dễ xộc xệch nên người lái đôi lúc sẽ có tư thế ngồi không thoải mái khi điều khiển xe, nhất là khi đạp côn, phanh. Ngoài ra, bộ hạt gỗ còn khiến nội thất xe trở nên nặng nề, chật chội, khó vệ sinh và cho cảm giác “kém sang”.

Hoàng Hiệp (t/h)