Mùa mưa ở Nam Bộ đến muộn một tháng
Khoa học - Ngày đăng : 16:05, 08/04/2024
Thông tin được ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết khi nhận định về tình hình hạn mặn ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.
Theo chuyên gia, từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình và cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 2 và tháng 3, khu vực này đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện trong ngày 8-13/3 với ranh mặn 0,4% và 0,1% xâm nhập vào sâu 40-66km, có nơi sâu hơn. Đặc biệt, Bến Tre và sông Cổ Chiên xuất hiện xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016 - năm diễn ra đợt hạn mặn lịch sử. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh đang gặp tình trạng khô cạn.
"Xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm, giữa tháng 11/2023 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đợt mặn diễn ra ngày 8-13/3 có nồng độ mặn cao nhất năm", ông Cường cho biết.
Chuyên gia lý giải nguyên nhân gây khô hạn, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trước hết là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên khu vực hầu như không mưa từ đầu năm đến nay. Số ngày nắng kéo dài làm một số lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi.
Đồng thời, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.
Dự báo về xu hướng thời gian tới, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình.
Theo đó, mùa mưa có thể bắt đầu ở Tây Nguyên vào đầu hoặc giữa tháng 5, trong khi Nam Bộ khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 mới xuất hiện. Vì vậy, tổng lượng mưa trong tháng 5 ở các khu vực trên nguy cơ thiếu hụt 15-30% so với trung bình.
Theo chu kỳ hàng năm, mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ thường bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và kéo dài cho đến hết tháng 11, khi gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động.
Từ tháng 4 đến tháng 6, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra hạn hán tại các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên.
Thời gian tới, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tiếp tục ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và hơn năm 2023.
Từ nay đến hết mùa hạn mặn, khu vực có thể hứng chịu 3 đợt xâm nhập mặn, tập trung trong các ngày: 8-13/4, 22-28/4 và 7-11/5.
Chuyên gia khuyến cáo với các khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng trồng cây ăn quả, người dân nên kiểm tra độ mặn khi sử dụng nước để tránh thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong thời gian cao điểm này.