Đẻ thường không được nên phải mổ, chồng bảo: "Sao không rặn phát xong luôn như người ta, đẻ mổ tốn tiền"
Gia đình - Ngày đăng : 07:04, 08/04/2024
Trước đây khi còn yêu nhau, tôi đã biết chồng tiết kiệm. Dù lúc đó anh đi làm lương tháng đã 15 triệu nhưng khi rủ người yêu đi chơi thì toàn ra công viên gọi trà đá, cùng lắm thì mua nước mía 10 nghìn còn phải xin 2 ống hút để uống chung.
Có điều ngày ấy yêu quá nên tôi mù quáng nghĩ đàn ông tiết kiệm một tí cũng tốt, sau này đỡ phung phí tiền cho người khác. Vậy nhưng khi cưới về mới vỡ mộng bởi anh keo kiệt một cách thái quá, người khổ trực tiếp là vợ con.
Không chỉ chuyện tiền nong mà tất cả mọi thứ anh đều tính toán rất chi li, nhất là các đồ dùng trong nhà. Anh có tiền mua sắm đồ đạc đấy nhưng chỉ sợ hỏng với hao mòn đi. Điện thì sợ tốn kém, mùa hè nóng chảy mỡ nhưng chồng nhất định không bật điều hòa. Sang mùa đông, nhà có bình nóng lạnh anh cũng không cho bật.
May lần tôi đẻ đứa đầu chồng đi tác 3 tháng, bà nội lên chăm, tính bà thoải mái nên tôi được dùng điện thoải mái. Khi chồng về lại bắt đầu sống cảnh tằn tiện tránh chồng cằn nhằn, trách móc.
Đến lúc tôi bầu đứa thứ hai càng khổ sở hơn. Vì công ty kinh doanh thua lỗ tuyên bố phả sản khiến tôi mất việc, chính thức bước vào cảnh sống phụ thuộc kinh tế chồng. Tôi không có tiền mua đồ ăn vặt, nhiều lúc thèm hoa quả ăn cho đỡ nhạt miệng mà chỉ sợ hụt mất tiền tối về chồng mắng. May là chị gái ở gần thỉnh thoảng mua cho ít đồ chứ chờ chồng thì đói mốc miệng.
Vì đứa đầu mổ rồi nên đẻ đứa thứ 2 tôi cũng phải mổ. Chồng tôi cứ cằn nhằn từ lúc nộp tiền đến khi vợ mổ xong là sao không rặn phát xong luôn như người ta cho tiết kiệm mà phải mổ với xẻ vừa tốn tiền, con lại không khỏe mạnh như trẻ được đẻ thường.
Đã vậy, tôi xuất viện về anh cũng không chăm sóc, đến bữa còn tiếc từng quả trứng. Có hôm thấy mẹ hấp cho tôi 3 quả trứng gà. Anh trợn mắt bảo:
“Sao cô ăn hoang thế. Bữa ăn 1 quả trứng là đủ chất rồi. Ăn 3 quả, tôi sức đâu kiếm đủ tiền nuôi cô?”.
Rồi nước anh cũng bắt vợ uống nước lạnh trực tiếp từ máy lọc, không cho vợ đun sôi bảo tốn điện. Tôi giải thích phụ nữ sau sinh phải uống nước ấm, kiêng uống nước lạnh, anh lại gắt:
“Đẻ cả chục ngày rồi, uống nước nào chẳng được. Cô cứ vẽ chuyện”.
Khổ nhất là việc tắm giặt sinh hoạt của tôi chồng cũng cấm đoán đủ điều. Tôi đẻ vào mùa đông, anh tiết kiệm điện yêu cầu vợ 1 tuần chỉ bật bình tắm 2 lần. Thành thử tôi toàn phải lén lúc anh ra ngoài, tranh thủ bật bình tắm thật nhanh. Hôm ấy đúng lúc đang tắm thì anh về. Thấy vợ bật bình nước nóng, anh gầm lên:
“Tôi nhớ nay không phải lịch tắm giặt cơ mà. Sao cô lại bật bình rồi?”.
Tôi giải thích vì con tè dầm lên người nên mới phải đi thay giặt nhưng anh vẫn trợn mắt quát tiếp:
“Cô đừng lý do. Nếu muốn tắm thì tắm nước lạnh, đừng có bật bình. Tháng này tiền điện mà tăng, cô tự trả nhé”.
Miệng nói, tay anh dập luôn cầu dao để vợ chịu rét trong nhà tắm. Nghĩ ức chồng, tôi nghĩ tới việc sẽ ly hôn nhưng lại thương 2 đứa con, không muốn chúng phải sống cảnh gia đình tan vỡ. Mà sống với anh thế này, tôi thấy khổ sở quá chừng. Chắc không có ai độc đoán, bắt vợ vừa sinh đã phải sinh hoạt bằng nước lạnh như chồng tôi mọi người ạ.
Phụ nữ sau sinh bao lâu có thể dùng nước lạnh?
Khi uống nước lạnh có thể làm co thắt cơ tử cung và gây ra cảm giác đau, đồng thời cũng làm giảm sự lưu thông máu ở vùng kín, gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau sinh. Ngoài ra, uống nước lạnh cũng có thể làm giảm khả năng tiêu hóa, gây ra khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe. Thay vì uống nước lạnh, mẹ nên uống nước ấm hoặc nước nguội để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, tắm nước lạnh có thể làm co bóp các mạch máu và làm giãn tĩnh mạch, đặc biệt là ở khu vực vùng chậu. Điều này có thể gây ra tình trạng suy giảm lưu thông máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ sau sinh nên kiêng tắm nước lạnh trong vòng 30 ngày đầu sau sinh. Thay vào đó, phụ nữ nên tắm bằng nước ấm và sử dụng các sản phẩm vệ sinh đặc biệt để giữ vệ sinh cho vùng kín.
Theo Báo PNTĐ