Giá vàng 'lên đồng' tăng cao nhất mọi thời đại, đích nào là đỉnh giá mới?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:24, 08/04/2024
Vàng thế giới sôi sục, trong nước leo thang
Giá vàng thế giới trong phiên cuối tuần (6/4) tăng dữ dội và vượt qua tính toán lạc quan của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới. Sau khi vượt ngưỡng 2.300 USD/ounce đầy ngạc nhiên, vàng điều chỉnh giảm nhưng rất nhanh sau đó tăng vọt lên gần 2.330 USD/ounce.
Đây là cú bứt phá ngoạn mục bởi nhiều tổ chức từng dự báo vàng đạt mức trung bình 2.100 USD/ounce trong năm 2024. Một số mạnh dạn cho rằng giá vàng lên 2.200-2.400 USD/ounce nhưng đợt bứt tốc sẽ rơi vào nửa cuối năm, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu đảo chiều chỉnh sách tiền tệ, giảm lãi suất.
Tuy nhiên, giá vàng đã bứt phá bất chấp đồng USD vẫn còn treo cao.
Giá vàng giao ngay trên thế giới giữ vững mốc 2.000 USD/ounce từ cuối tháng 2 rồi chinh phục thành công ngưỡng cao chưa từng có 2.100 USD/ounce trong tháng 3, sau đó bứt phá lên ngưỡng 2.200 USD/ounce vào cuối tháng 3 trước khi nhẹ nhàng phá luôn mốc 2.300 USD/ounce vào đầu tháng 4.
Ngay sau khi vượt ngưỡng 2.300 USD/ounce, áp lực bán ra kéo giá vàng giao ngay trên thế giới xuống dưới mức này, nhưng chỉ được một phiên rồi bứt phá lên 2.330 USD/ounce như đã thấy.
Đồng USD ở mức cao nhưng giá vàng thế giới hơn 1 tháng qua liên tục lập đỉnh mới. Nghịch lý còn ở chỗ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục trì hoãn giảm lãi suất, từ dự kiến 4 lần giảm trong năm 2024 được hạ xuống còn 3 lần trong cuộc họp hôm 21/3, đến phát biểu của các quan chức Fed tuần qua cho rằng chỉ 2 lần rồi 1 lần.
Đêm 5/4, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed Michelle Bowman đưa ra thông điệp gây bất ngờ cho thị trường. Bà cho rằng, khả năng lãi suất sẽ phải tăng cao hơn để kiểm soát lạm phát, thay vì những đợt cắt giảm mà đồng nghiệp của bà đã chỉ ra và thị trường đang mong đợi.
Bà Bowman lưu ý các nhà hoạch định chính sách cần phải cẩn thận để không nới lỏng chính sách quá nhanh do những rủi ro tiềm ẩn từ lạm phát.
Trong nước, giá vàng cũng bứt phá theo thế giới, dù chênh lệch với giá quốc tế quy đổi đã được thu hẹp. Trong phiên thứ Bảy ngày 6/4, giá vàng SJC vọt lên sát 82 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn có nơi vượt 74 triệu đồng/lượng, tăng thêm cả triệu đồng/lượng.
Đích nào cho giá vàng trong cơn sốt lần này?
Câu hỏi được đặt ra là: Đích nào cho giá vàng thế giới trong cơn tăng giá sôi sục lần này và giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn, vàng trang sức sẽ leo thang lên mức nào?
Trong một báo cáo vừa đưa ra, Tập đoàn MKS Pamp của Thụy Sĩ cho biết, giá trần của vàng cho năm 2024 trong báo cáo trước giờ đã trở thành giá sàn.
Hồi tháng 1, MKS Pamp từng dự báo giá vàng sẽ đạt mức trung bình 2.050 USD/ounce trong năm 2024, thấp nhất sẽ là 1.900 USD/ounce và cao nhất là 2.200 USD/ounce. Nhưng tới nay, giá vàng đã vượt qua cả ngưỡng 2.200 USD/ounce. Trong khi nhu cầu vàng vật chất của ngân hàng trung ương các nước vẫn không ngừng nghỉ.
MKS Pamp giờ nâng dự báo giá vàng lên mức trung bình là 2.200 USD/ounce trong năm 2024, mức thấp nhất là 2.000 USD/ounce và cao nhất có thể lên tới 2.475 USD/ounce (tương đương gần 76 triệu đồng/lượng), thậm chí gần 2.600 USD/ounce.
Tuy nhiên, MKS Pamp cũng cảnh báo, tổ chức này chưa tính đến xu hướng đánh cược của thị trường. Theo đó, các nhà đầu tư phương Tây vẫn đầu tư vào vàng khá thấp do còn soi xét lịch sử biến động vàng trong dài hạn.
Ngoài ra, còn có yếu tố tác động từ các “tay chơi vàng” lớn trên thế giới, bao gồm ngân hàng trung ương các nước. Sức cầu sẽ tăng vọt nếu họ buộc phải mua vàng (có thể tài trợ cho các cuộc chiến, bao gồm cả chiến tranh lạnh)...
Theo nhiều chuyên gia, cú tăng vọt của giá vàng lên các đỉnh mới cho thấy mặt hàng này giờ đây không chỉ còn chịu chi phối chủ yếu bởi các số liệu kinh tế cũng như tâm lý thị trường truyền thống của Mỹ như trước, mà đã trở thành một kim loại mang tính tiền tệ toàn cầu.
Trên Kitco, chuyên gia Nicholas Frappell đến từ ABC Refinery cho rằng, hoạt động mua vàng tăng mạnh có thể đến từ động lực phòng ngừa rủi ro từ các thị trường chứng khoán tăng mạnh ở phương Tây. Nhưng động lực chính, theo ông, chính là hoạt động mua vàng vì một nền kinh tế Trung Quốc suy yếu.
Trong lịch sử, tương ứng với các đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào các năm 2000, 2006 và 2018, giá vàng tăng lần lượt là 57%, 235% và 69%.
Còn đợt tăng giá lần này, bao gồm cả cú bứt phá cuối tuần qua, giá vàng mới tăng khoảng 17,5% kể từ ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD/ounce hồi giữa tháng 2.
Như vậy, cú bứt phá dường như mới chỉ bắt đầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm khu vực Trung Đông đang nóng rẫy giữa Israel và Palestine cũng như Iran.
Dù vậy, nhiều chuyên gia trên Kitco cho rằng, giá vàng có thể sẽ chứng kiến những đợt điều chỉnh giảm sau các cú tăng sốc.
Theo một khảo sát của Kitco, 75% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, trong khi có 8% dự báo giảm.
Trong nước, mức chênh giá vàng SJC với giá vàng thế giới quy đổi rút ngắn về khoảng 11 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng). Nếu vàng thế giới lên 2.475 USD/ounce (tương đương gần 76 triệu đồng/lượng) và mức chênh rút về khoảng 6 triệu đồng/lượng, thì giá vàng miếng SJC sẽ ở quanh đỉnh lịch sử 82-83 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn có thể duy trì mức chênh khoảng 2-4 triệu đồng/lượng.