Quân sự thế giới hôm nay (7-4): Nga triển khai xe tăng T-80UE-1, Ukraine sản xuất hàng loạt UAV Backfire K1
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:07, 07/04/2024
* Nga triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực T-80UE-1 tại Ukraine
Một video đăng tải mới đây cho thấy, Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 của Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 của Quân đội Nga đang được triển khai tại Ukraine được trang bị “hàng hiếm” xe tăng chiến đấu chủ lực T-80UE-1.
Được ngành công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất với số lượng hạn chế, T-80UE-1 là một trong những biến thể mới nhất của dòng xe tăng T-80. Phương tiện này được đánh giá cao nhờ sử dụng động cơ tua-bin khí, mang lại tốc độ vượt trội trên nhiều địa hình khác nhau. Với động cơ tua-bin công suất 1.250 mã lực, phiên bản nâng cấp này có thể đạt tốc độ tối đa trên đường trường lên tới 75km/giờ và 60km/giờ trong điều kiện địa hình.
“Hàng hiếm” T-80UE-1 được trang bị cho Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 của Nga đang được triển khai tại Ukraine. Ảnh: Army Recognition |
Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này còn được chú ý bởi hiệu quả chiến đấu, khả năng sống sót và hiệu suất hoạt động vượt trội nhờ những cải tiến mới, đặc biệt là giáp phản ứng nổ thế hệ mới. Giáp của xe tăng được chế tạo từ những tấm thép dày, cường độ chịu lực cao, làm giảm tính năng xuyên giáp của các loại đạn xuyên động năng hoặc đạn nổ lõm.
Bên cạnh đó, T-80UE-1 còn được tích hợp một loạt các công nghệ tiên tiến khiến nó trở nên khác biệt so với các phiên bản tiền nhiệm. Ngoài hệ thống điều khiển hỏa lực đã trải qua quá trình hiện đại hóa nhằm tăng cường đáng kể hiệu quả chiến đấu, phiên bản nâng cấp này còn được trang bị kính ngắm hồng ngoại Plisa giúp nâng cao độ chính xác trong các tình huống chiến đấu khác nhau.
Một nâng cấp đáng chú ý khác của T-80UE-1 là việc thay thế pháo 2A46M-1 bằng phiên bản 2A46M-4 hiện đại và mạnh mẽ hơn. Cải tiến này không chỉ giúp cải thiện hỏa lực mà còn cả tính linh hoạt của xe tăng trên chiến trường. Ngoài ra, cơ chế của bộ nạp đạn 6EK43-2S cũng được nâng cấp, cho phép sử dụng các loại đạn có sức công phá mạnh hơn.
* Ukraine sản xuất hàng loạt UAV ném bom Backfire K1
Army Recognition đưa tin, Ukraine vừa có thông báo về việc bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay không người lái (UAV) ném bom Backfire K1 nội địa.
Backfire K1 được thiết kế giống như một chiếc máy bay thông thường cỡ nhỏ với động cơ đặt phía trước, cấu hình đuôi chữ V và thân chính được thiết kế để mang tải trọng lớn. Được phóng thông qua bệ phóng, Backfire K1 nổi bật bởi tính độc lập của nó. Theo đó, UAV này điều hướng các tuyến đường được thiết lập sẵn mà không cần liên lạc liên tục với người điều khiển, giúp “né” các thiết bị điện tử một cách hiệu quả.
Backfire K1 được thiết kế giống như một chiếc máy bay thông thường cỡ nhỏ với động cơ đặt phía trước, cấu hình đuôi chữ V. |
Bên cạnh đó, phương tiện này còn được chú ý bởi khả năng tấn công chính xác các mục tiêu nhờ sử dụng máy tính đạn đạo tiên tiến để xác định điểm rơi của đạn tùy thuộc vào vị trí và vận tốc của UAV. Hiện tại, Backfire K1 đã được triển khai cho các nhiệm vụ.
Backfire K1 có phạm vi chiến đấu 55km và có khả năng mang trọng tải lên tới 6kg. Được vận hành bằng động cơ điện, UAV này có thể đạt độ cao tối đa lên tới 1.000m và hoạt động hiệu quả nhất ở độ cao 300m. Phương tiện có thể thực hiện ném bom ở độ cao 50-200m, đảm bảo tấn công chính xác các mục tiêu ở tốc độ hành trình 84km/giờ.
Về vũ khí, phương tiện này được trang bị 2 quả đạn phân mảnh 9N235 (9H235) của hệ thống tên lửa phóng loạt Smerch 9H235, vốn nối tiếng với khả năng phân mảnh nổ cao.
* Na Uy tăng chi tiêu quốc phòng
Chính phủ Na Uy vừa công bố kế hoạch quốc phòng dài hạn cho giai đoạn 2025-2036 nhằm mục đích tăng cường phòng thủ quốc gia. Theo đó, trong 12 năm tới, nước này sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng thêm 56 tỷ USD, nâng tổng ngân sách quốc phòng lên 150 tỷ USD trong giai đoạn này.
Bộ Tài chính Na Uy cho biết, đến năm 2036, chi tiêu quốc phòng hằng năm sẽ cao hơn khoảng 83% so với mức hiện tại sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều tranh cãi xung quanh việc chi tiêu cho quốc phòng tại nước này.
Na Uy tự tin có thể chi trả cho khoản chi tiêu quốc phòng thêm này mà không cần cắt giảm ngân sách cho y tế hoặc giáo dục. Trước đó, Na Uy đã cam kết chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2024, phù hợp với mục tiêu của các thành viên NATO khác.
Theo Naval News, kế hoạch quốc phòng dài hạn của quốc gia châu Âu này bao gồm việc nâng cao năng lực cho lực lượng hải quân bằng cách trang bị các tàu khu trục, tàu ngầm và các loại tàu mới khác. Kế hoạch còn bao gồm việc ra mắt hệ thống phòng không tầm xa đầu tiên, mở rộng quân đội với 3 lữ đoàn và tăng lực lượng vệ binh lên 45.000 binh sĩ.
Kế hoạch quốc phòng mới của Na Uy bao gồm việc mua sắm cho lực lượng hải quân. Ảnh: Navalnews |
Trong những năm gần đây, với tư cách là một thành viên tích cực của NATO, Na Uy đã tham gia vào các chương trình quân sự quan trọng nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang và tăng cường khả năng phòng thủ trước những thách thức an ninh hiện nay. Sáng kiến nổi bật là sắm 52 máy bay chiến đấu F-35 Lightning II để thay thế phi đội F-16 đã cũ với trị giá ước tính lên tới 10 tỷ USD. Ngoài ra, Na Uy có kế hoạch nâng cấp đội tàu ngầm của mình bằng cách thay thế các tàu ngầm lớp Ula bằng 4 tàu ngầm lớp 212 CD mới.
Trên bộ, Na Uy đã đặt mua 74 xe chiến đấu M2A4 và 8 xe cứu hộ từ công ty Rheinmetall của Đức vào năm 2019 nhằm mục đích đổi mới và nâng cao năng lực của lực lượng bộ binh. Để thay thế phi đội P-3 Orion đã cũ và tăng cường khả năng giám sát hàng hải và chống tàu ngầm, quốc gia châu Âu này đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD để mua 5 chiếc máy bay P-8A Poseidon.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)