Tác hại đáng sợ của đồ uống người Việt tiêu thụ cả lít mỗi tuần
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:39, 06/04/2024
Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường. Theo bà Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. Loại thức uống này nguy hiểm cho sức khỏe vì góp phần gây ra nhiều bệnh lý không lây nhiễm.
Trung bình, một lon nước ngọt có 35g đường. Trong khi người trưởng thành chỉ cần 25g đường mỗi ngày. Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường dẫn đến thừa cân, béo phì và hàng loạt bệnh lý đi kèm.
Bà Pratt cho biết, tình trạng béo phì tăng cao nhất là thanh thiếu niên 15-19 tuổi, cứ 4 người ở độ tuổi này có 1 người thừa cân, béo phì.
PGS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) chia sẻ, nước ngọt là đồ uống gây nghiện, nhiều người yêu thích, tỷ lệ thuận với tình trạng béo phì. Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2020 cho thấy 19% số học sinh thừa cân béo phì, khu vực thành thị như TP.HCM và Hà Nội, tỷ lệ có thể lên tới 40%. Ở người trưởng thành, con số này khoảng 20%, riêng TP.HCM là 30%.
Bà Mai cho biết một lon nước ngọt 330ml chứa khoảng 35g đường, cung cấp khoảng 140 kcal nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng khác.
Lạm dụng đồ uống có đường gây ra những tác hại sau:
Thứ nhất, thừa cân, béo phì
Theo bà Mai, người dân tăng tiêu thụ đường tự do sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cân nặng do dư thừa lượng đường. Ngoài ra, thức uống này làm tăng phản ứng kích hoạt của não với các tín hiệu về sự ngon miệng, kích thích ăn nhiều hơn.
Thứ hai, tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch
Một người tiêu thụ thêm 355ml nước ngọt tăng nguy cơ bệnh tim mạch, tái thông mạch và đột quỵ.
Một nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 88.000 phụ nữ tham gia nghiên cứu trong 20 năm cho thấy, một ngày uống 710ml đồ uống có đường có nguy cơ bị bệnh mạch vành hoặc tử vong do bệnh mạch vành cao hơn 1,35 lần.
Thứ ba, mắc bệnh đái tháo đường
Người lạm dụng nước ngọt kể cả nước hoa quả làm tăng tình trạng kháng insulin gây ra đái tháo đường tuýp 2. Uống 117ml nước ngọt một ngày, bạn có thêm 18% nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2. Hiện nay đái tháo đường là “đại dịch” ở Việt Nam (7 triệu người mắc).
Thứ tư, ảnh hưởng tới răng và xương
Một phân tích từ 104 bài báo cho thấy tiêu thụ nước ngọt có hàm lượng đường cao và nồng độ axit có thể góp phần gây hại cho sức khỏe răng miệng.
Tại Trung Quốc, nghiên cứu trên 1.600 học sinh 12-14 tuổi cho thấy thanh niên tiêu thụ trung bình là 53,1g đường/ngày đến từ nước ngọt là chính làm gia tăng bệnh răng miệng. Tất cả các loại nước ngọt thử nghiệm đều ăn mòn men răng.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hành động quyết liệt để đảo ngược xu hướng lạm dụng nước uống có đường, giảm thừa cân béo phì.
Trên thế giới, một biện pháp phổ biến giảm đồ uống có đường đó là tăng giá thông qua tăng thuế đồ uống có đường. Hiện hơn 100 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Nếu chúng ta tăng giá 10% sẽ giảm 11% nhu cầu tiêu thụ. Người dân chuyển sang thức uống lành mạnh hơn, ngăn chặn thừa cân béo phì, giảm nguy cơ bệnh không lây trong tương lai.