Đề phòng vật nuôi gây bệnh chết người mùa nắng nóng
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:42, 06/04/2024
Giữa tháng 3, Chủ tịch UBND TP Cà Mau ban hành Quyết định 990 về việc công bố dịch bệnh dại trên chó thuộc địa bàn ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm.
Theo đó, các ấp của xã Lý Văn Lâm và các xã, phường thuộc vùng dịch uy hiếp trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch gồm các ấp còn lại của xã Lý Văn Lâm; phường 7, phường 8 và xã Hoà Thành, TP Cà Mau. Các xã, phường thuộc vùng đệm trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch gồm phường 1, 2, 4, 5, 6, 9, phường Tân Xuyên, Tân Thành, xã Tân Thành, Hoà Tân và Định Bình.
UBND xã Lý Văn Lâm khẩn trương bao vây, dập dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại trên địa bàn; kịp thời xử lý ổ dịch, tiêu huỷ động vật mắc bệnh; điều tra, thống kê, xác định các hộ nuôi chó trên địa bàn, chó mắc bệnh và nghi ngờ mắc bệnh, xử lý chó thả rông, thành lập các tổ kiểm tra xử phạt đối với chủ nuôi chó vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh dại. Kịp thời hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị chó cắn để tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng.
Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, trong năm 2023, trên địa bàn đã xảy ra 26 ổ dịch tại 16 xã, phường của 8/9 huyện và TP Cà Mau. Trước nguy cơ tái bùng phát bệnh dại, Sở Y tế tỉnh vừa chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Bà Tô Nguyệt Tiên - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y TP Cà Mau - cho biết, thời tiết giao mùa nắng nóng như hiện nay là một trong những điều kiện thuận lợi để phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó có bệnh dại trên chó, mèo. Ðể chủ động phòng, chống bệnh dại, trạm phối hợp cán bộ thú y các xã, phường thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi.
Ông Trần Quyết Toán - Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau - cho biết: “Tổng đàn chó, mèo trên địa bàn xã hiện tại trên 1.400 con. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng những năm qua đạt thấp, mới trên 50%”.
Bà Tô Nguyệt Tiên cho biết, năm 2023, tỉ lệ tiêm phòng trong tổng đàn chó trên địa bàn toàn thành phố đạt khá thấp, chỉ tiêm được 1.410 liều vắc xin trên tổng số gần 9 ngàn con chó. Những tháng đầu năm 2024, địa phương mới tiêm bổ sung thêm 200 con. Như vậy, tính từ năm 2023 đến nay, toàn thành phố chỉ tiêm được 1.610 con trên tổng số 8.976 con.
“Việc tiêm phòng đạt thấp là do tình trạng khan hiếm vắc xin trong năm 2023. Một thực tế khác, khi tiến hành tiêm phòng miễn phí thì tỷ lệ tiêm đạt cao, nhưng khi tiêm thu phí thì đạt thấp, vì nhiều lý do. Trong đó, lý do lớn nhất vẫn là sự hợp tác của người dân chưa cao, đã làm cho bệnh dại trên địa bàn đang có nguy cơ bùng phát”, bà Tô Nguyệt Tiên cho biết.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin bệnh dại phải đạt từ 70% trở lên thì mới có thể loại trừ nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng.
Tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại lây truyền từ động vật sang người. Do vậy, người nuôi cần thực hiện tốt công tác tiêm phòng để bảo vệ sức khoẻ cho đàn vật nuôi, cũng chính là bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng.
Thời tiết nắng nóng cũng làm đàn lợn nuôi chậm ăn, mất sức và dễ phát sinh nhiều loại bệnh, khiến cho heo chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chi phí tăng.
Gà, vịt cũng là một trong những loại vật nuôi dễ bị tác động do nắng nóng, chính vì vậy, những hộ chăn nuôi gà, vịt với quy mô lớn và nông hộ trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động giảm mật độ nuôi và thực hiện dọn vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó, thay đổi thời gian thả vườn của đàn để hạn chế tiếp xúc với nắng nóng; chủ động bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Nhất là, thường xuyên cải tạo đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, tạo môi trường sạch, thông thoáng.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời tiết nắng nóng bà con cần quan sát, theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Nếu phát hiện thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện không bình thường (do cảm nắng, cảm nóng, do vận chuyển có mật độ nhốt cao) cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro. Cần tách riêng gia súc, gia cầm ra nơi có bóng mát, tạo sự thông thoáng nơi nhốt, dùng ngay hệ thống quạt làm mát nhưng không nên cho thổi trực tiếp vào gia súc, gia cầm để tránh cho gia súc, gia cầm bị sốc, choáng. Đồng thời cho gia súc, gia cầm uống nước điện giải, đường gluco khi ổn định mới cho gia súc, gia cầm nhập đàn. Khi có gia súc, gia cầm ốm hoặc chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.