Ngày 6/4 năm xưa: Olympic hiện đại đầu tiên khai cuộc tại Athens
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 06/04/2024
Ngày khai mạc diễn ra đúng vào ngày thứ hai Tuần Thánh của Kito giáo mà Hy Lạp là quốc gia với đa phần theo Chính Thống giáo (một nhánh lớn của Kito giáo) và cũng là ngày lễ kỷ niệm chiến tranh giành độc lập của nước chủ nhà.
Olympic vốn là một truyền thống lâu đời của Hy Lạp cổ đại, nhưng vào năm 393 đã bị cấm bởi Hoàng đế La Mã Theodosius I, như là một phần trong nỗ lực của ông để đàn áp chủ nghĩa ngoại giáo ở Đế chế La Mã. Như vậy, mãi 1500 năm sau, Olympic mới hồi sinh.
Thuở xưa, các cuộc tranh tài Olympic được giới hạn trong các cuộc thi chạy, nhưng sau đó một số sự kiện khác đã được bổ sung, bao gồm đấu vật, đấm bốc, đua ngựa và đua xe ngựa, và các cuộc tranh tài quân sự.
Pierre de Coubertin người Pháp trở thành chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Olympic thế giới (IOC) năm 1896 và đã dẫn dắt Olympic qua những năm đầu khó khăn, khi thiếu đi sự ủng hộ rộng rãi của các doanh nhân, tổ chức và bị lu mờ bởi các hội chợ kinh tế đang tràn lan khắp thế giới.
Thông tin về việc Olympic sẽ quay trở lại với Hy Lạp đã được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi công chúng, giới truyền thông và gia đình hoàng gia. Các thành viên của hoàng gia Hy Lạp đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và quản lý Thế vận hội và là khán giả thường xuyên trong 10 ngày diễn ra đại hội.
Vào ngày khai mạc tại Athens, Vua Georgios I của Hy Lạp và 60.000 khán giả đã chào đón các vận động viên từ các quốc gia đến tham dự. Trong ngày khai mạc, Georgios I chính là người tuyên bố với câu nói trở thành khuôn mẫu nghi thức khai mạc cho các kỳ Olympic sau này, và cả các giải thể thao: “Tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc Thế vận hội quốc tế đầu tiên. Quốc gia trường tồn. Nhân dân Hy Lạp trường tồn”.
Các vận động viên đã tranh tài ở 43 nội dung bao gồm điền kinh (điền kinh), đạp xe, bơi lội, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu vật, đấu kiếm, bắn súng và quần vợt.
Hungary là đội tuyển quốc gia duy nhất; hầu hết các vận động viên nước ngoài là sinh viên đại học khá giả hoặc thành viên của các câu lạc bộ thể thao. Tuy nhiên, khái niệm về đội tuyển quốc gia không phải là trọng tâm của Olympic lần này.
Điều đặc biệt tại Athen 1896 là chỉ toàn các VĐV nam. Phụ nữ không được phép tham dự tại kỳ vì Coubertin ra quyết định với lý do sự góp mặt của họ là "không thú vị và không đúng".
Các sự kiện điền kinh được tổ chức tại Panathenaic, vốn là vận động trường được xây dựng vào năm 330 trước Công nguyên. Vì đã hư hỏng nặng, trước ngày khai mạc vài tháng, một doanh nhân giàu có của Hy Lạp là Georgios Averoff đã tài trợ toàn bộ chi phí để khôi phục địa điểm này với đá hoa và trang trí toàn màu trắng. Các tay chạy từ Mỹ đã thống trị đường mua điền kinh khi giành 9/12 huy chương.
Athens 1896 lần đầu tiên phục dựng lại môn marathon đầu tiên do nhà tổ chức người Pháp Michel Bréal thiết kế đường chạy, tái hiện lại lộ trình huyền thoại của Pheidippides, một vận động viên theo truyền thuyết Hy Lạp cổ đại là đã chạy liên tục từ đồng bằng Marathon đến Athens để thông báo về sự thất bại của đội quân xâm lược Ba Tư vào năm 490 trước Công nguyên. Đây cũng chính là môn thi tâm điểm của Olympic lần này và chiến thắng đã thuộc về VĐV chủ nhà Spyridon Louis.
Đoàn Hoa Kỳ giành được nhiều huy chương vàng nhất (11) trong khi đoàn chủ nhà Hy Lạp dẫn đầu về tổng số huy chương giành được (46).
Sau kỳ Thế vận hội, một số nhân vật cấp cao, trong đó có Vua Georgios I cùng một số vận động viên người Mỹ, kiến nghị với Coubertin và IOC rằng tất cả những kỳ Thế vận hội lần sau nên được tổ chức tại Athens. Tuy nhiên IOC đã bác bỏ vì điều này làm mất đi tinh thần đoàn kết của Olympic. 4 năm sau, Olympic 1900 được tổ chức tại Paris của Pháp. Mãi đến năm 2004, tức là sau 108 năm kỳ đại hội đầu tiên, Olympic mới quay trở lại Athens.
Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại và thoái trào nhưng Olympic 1896 vẫn được ghi nhận là một kỳ Olympic thành công, nhờ những cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất từ trước cho tới thời điểm đó.