Hé lộ mối quan hệ ‘đặc biệt’ giữa những gã khổng lồ công nghệ tại Silicon Valley
Cuộc sống số - Ngày đăng : 09:47, 05/04/2024
Tài liệu toà án được công khai thuộc về vụ kiện tập thể nhằm vào sự độc quyền của Meta - công ty mẹ Facebook. Các nguyên đơn đã cáo buộc Netflix và Facebook “có mối quan hệ đặc biệt” khi nền tảng mạng xã hội trao cho nền tảng streaming “quyền truy cập riêng” vào dữ liệu người dùng.
Nhờ vào mối quan hệ cá nhân giữa nhà đồng sáng lập Netflix Reed Hastings và cha đẻ Facebook Mark Zuckerberg, hai công ty có “thoả thuận hợp tác và tuỳ chỉnh giúp nâng cao mô hình xếp hạng và nhắm mục tiêu quảng cáo của Facebook” ít nhất từ năm 2011 đến nay.
Theo đó, các luật sư cáo buộc hai công ty có thoả thuận về “Giao diện lập trình ứng dụng (API) hộp thư đến”, cho phép Netflix truy cập vào hộp tin nhắn riêng tư của người dùng Facebook. API là tập hợp các định nghĩa và giao thức, cho phép 2 hoặc nhiều phần mềm, ứng dụng có thể giao tiếp và chia sẻ thông tin với nhau. API hoạt động như một cầu nối giữa các ứng dụng, ví dụ một ứng dụng thời tiết có thể sử dụng API để truy cập vào dữ liệu dự báo của một website về thời tiết.
Đổi lại, Netflix sẽ cung cấp báo cáo hai lần/tuần về cách người dùng tương tác với nền tảng, chẳng hạn như các bộ phim yêu thích, số lần chọn các bộ phim ở danh sách đề xuất,…
Theo đơn kiện, Facebook đã nhận được hàng trăm triệu USD tiền quảng cáo từ Netflix như một phần của mối quan hệ gắn kết này. Riêng trong năm 2017, Netflix đã chi ra hơn 150 triệu USD để mua quảng cáo trên Facebook.
Đáng chú ý, từ tháng 4/2016, Facebook thông báo ra mắt tính năng mã hoá đầu cuối cho tin nhắn trên Messenger, nhưng không kích hoạt mặc định. Phải đến tháng 8/2022, mạng xã hội này mới đưa tính năng mã hoá đầu cuối trở thành mặc định với người dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, đơn kiện cáo buộc Facebook vẫn cho phép một số đối tác nhất định, trong đó có Netflix được quyền đọc tin nhắn riêng tư của người dùng.
Đại diện của Meta đã phủ nhận cáo buộc về việc mạng xã hội Facebook cho phép Netflix đọc tin nhắn người dùng. “Meta không chia sẻ bất kỳ tin nhắn riêng tư nào của người dùng với Netflix. Những thoả thuận hợp tác giữa Facebook và Netflix là rất phổ biến trong ngành”.
Trước đó, năm 2018 tờ The New York Times trích dẫn tài liệu nội bộ Facebook cho thấy, nền tảng này đã cấp phép cho Netflix và Spotify truy cập tin nhắn cá nhân người dùng.
Trang tin cũng khẳng định Facebook thu lợi hàng trăm triệu USD nhờ việc bán nội dung tin nhắn của người dùng cho bên thứ ba.
Meta, cùng với phần lớn thung lũng Silicon, đã buộc phải trả hàng trăm triệu USD tiền phạt liên quan cách xử lý dữ liệu riêng tư của người dùng.
Năm 2022, Ireland phạt Meta 265 triệu Euro sau khi dữ liệu của hơn nửa tỷ người dùng bị tung lên mạng, gồm tên đầy đủ, số điện thoại, vị trí và ngày sinh của các tài khoản trong giai đoạn 2018-2019.
Cùng năm, gã khổng lồ mạng xã hội cũng phải trả 725 triệu USD dàn xếp scandal liên quan Cambridge Analytica - công ty kỹ thuật truyền thông xã hội tại Anh, dính líu tới các chiến dịch vận động phiếu Brexit và bầu cử Mỹ năm 2016.
Cựu giám đốc công nghệ của Facebook, Mike Schroepfer, cho biết vào năm 2018 rằng có tới 87 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ dữ liệu trái phép với Cambridge Analytica, nhiều hơn 37 triệu so với ước tính ban đầu là 50 triệu.