Các kịch bản Iran đáp trả vụ tấn công Đại sứ quán ở Syria
Tin thế giới - Ngày đăng : 14:23, 04/04/2024
7 quan chức Iran, trong đó có 2 chỉ huy quân sự cấp cao, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) hôm 1/4 mà Tehran cáo buộc là do Israel thực hiện.
Các chuyên gia cho rằng đây là vụ tấn công lớn nhất nhằm vào các mục tiêu của Iran kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani ở Baghdad (Iraq) năm 2020. Iran có thể buộc phải đáp trả dù không muốn gây chiến với Israel và Mỹ.
Israel đã tấn công các lợi ích của Iran và đồng minh Iran ở Syria trong nhiều năm qua nhằm ngăn chặn và triệt tiêu các mối đe dọa mới nổi đối với an ninh của nước này. Israel gia tăng các cuộc tấn công như vậy kể từ sau ngày 7/10/2023, khi lực lượng Hamas được Iran hậu thuẫn ở Dải Gaza tấn công vào Israel.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc không kích hôm 1/4 là một sự leo thang đáng kể vì nó nhắm vào khu phức hợp đại sứ quán và trong số những người thiệt mạng có chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). Iran coi đây là một cuộc tấn công vào lãnh thổ chủ quyền của họ theo luật pháp quốc tế.
Israel không lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ tấn công nhưng lập luận rằng mục tiêu là “tòa nhà quân sự của lực lượng Quds” - một lực lượng tinh nhuệ của IRGC chịu trách nhiệm về các hoạt động nước ngoài.
“Đây không phải là lãnh sự quán và cũng không phải đại sứ quán”, Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói với CNN.
Việc Iran đáp trả dưới hình thức tấn công trực tiếp vào Israel khó có thể xảy ra vì nó sẽ dẫn đến một cuộc trả đũa của Israel vào lãnh thổ Iran và có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến rộng hơn trong khu vực.
Thực tế, Iran không có nhiều lựa chọn.
Nhắm vào lợi ích của Mỹ
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công.
Đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Tehran, người đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Iran, đã bị Bộ Ngoại giao Iran triệu tập vào sáng sớm 2/4 và “một thông điệp quan trọng đã được chuyển tới chính quyền Mỹ với tư cách là người ủng hộ chế độ Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Mỹ phải chịu trách nhiệm”, ông Amir-Abdollahian viết trên trang mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
“Có vẻ như Iran đang buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về những gì Israel đã làm cũng giống như việc Mỹ buộc Iran phải chịu trách nhiệm về những gì lực lượng dân quân Iraq đã làm”, ông Trita Parsi, Phó chủ tịch Viện Quincy về quản lý nhà nước có trách nhiệm ở Washington, DC, bình luận.
Iran đã tham gia vào một cuộc xung đột ủy nhiệm cấp thấp với Mỹ thông qua lực lượng dân quân đồng minh ở Syria, Iraq. Nhưng cuộc xung đột đó đã giảm leo thang kể từ sau vụ sát hại 3 quân nhân Mỹ ở Jordan vào tháng 1/2024. Mỹ đáp trả bằng cách thực hiện hàng chục cuộc tấn công vào ít nhất 7 địa điểm trên khắp Iraq và Syria.
Ông Parsi cho rằng, những tuyên bố cứng rắn của Iran sau vụ tấn công đại sứ quán ở Syria cho thấy “thỏa ước ngừng bắn” với Mỹ có thể đã kết thúc.
“Cuộc tấn công của Israel vào Iran đã khiến quân đội Mỹ ở Trung Đông trở thành mục tiêu”, ông nói.
Các lực lượng của Mỹ trong khu vực hoạt động gần với lực lượng dân quân đồng minh của Iran, nhưng một cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ để đáp trả hành động của Israel sẽ không tác động gì đến Israel mà có khả năng đưa Tehran và Washington vào một cuộc đối đầu trực tiếp. Theo các nhà phân tích, cả Mỹ và Iran đều không muốn như vậy.
Lần gần đây nhất Iran tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào lợi ích của Mỹ là vào năm 2020, khi Tehran bắn loạt tên lửa đạn đạo vào một căn cứ ở Iraq có lính Mỹ đồn trú để trả đũa cho cái chết của tướng Soleimani vài ngày trước đó. Đây là cuộc tấn công quy mô lớn nhất vào căn cứ có quân đội Mỹ đồn trú trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ mọi liên quan đến cuộc tấn công hôm 1/4. Người phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Joe Biden không liên quan và không biết trước về cuộc tấn công đó, đồng thời Washington đã “thông báo trực tiếp điều này với Iran”.
Huy động lực lượng ủy nhiệm chống lại Israel
Lực lượng ủy nhiệm có năng lực nhất của Iran trong cuộc chiến chống Israel là Hezbollah ở Lebanon. Lực lượng này được cho là có khoảng 150.000 tên lửa và đạn dược dẫn đường chính xác ở gần Israel và đã chứng minh được khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Israel.
Tuy nhiên, Israel đã chuẩn bị cho cuộc chiến với Hezbollah trong nhiều tháng, sau khi sơ tán hơn 40 cộng đồng ở khu vực phía Bắc. Hai bên đã tham gia vào các cuộc giao tranh trong phạm vi vài km ở mỗi bên biên giới. Hồi tháng 3, Israel đã tấn công sâu tới 100 km vào Lebanon.
Hezbollah cho biết cuộc tấn công ngày 1/4 sẽ bị “sự trừng phạt và trả đũa”. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng lực lượng này sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tàn khốc với Israel.
Iran cũng có thể huy động các lực lượng dân quân đồng minh khác trong khu vực, nhưng khả năng gây tổn hại cho Israel sẽ bị hạn chế do khoảng cách quá xa. Lực lượng Houthi ở Yemen đã làm gián đoạn hoạt động thương mại của Israel qua Biển Đỏ, đồng thời thực hiện một số nỗ lực phóng tên lửa về phía Israel nhưng thất bại. Lực lượng dân quân Iraq, ở gần Israel hơn so với Houthi, cũng đã thực hiện nhiều nỗ lực tấn công Israel nhưng hầu hết đều vô ích.
Bà Sanam Vakil, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London (Anh), cho rằng Iran có thể sẽ sử dụng lực lượng ủy nhiệm cùng với các nỗ lực ngoại giao để cô lập Israel, nhưng tình hình sẽ không leo thang đáng kể.
“Trục kháng chiến có thể được kích hoạt” bà nói, đề cập đến mạng lưới dân quân thân Iran trong khu vực. Theo bà, mạng lưới này sẽ không trả đũa bằng các cuộc tấn công lớn mà bằng “một loạt phản ứng”.
Tấn công lợi ích của Israel ở nước ngoài
Sau các cuộc tấn công trước đây nhằm vào Iran, Israel thường lường trước sự trả đũa của Tehran nhằm vào các lợi ích của Israel ở nước ngoài và đã tăng cường an ninh tại các đại sứ quán.
Israel từng cáo buộc Iran cố gắng nhắm mục tiêu vào các cơ quan ngoại giao của nước này ở nước ngoài để trả đũa vụ ám sát nhà các nhà khoa học và quan chức Iran cũng như các cuộc tấn công vào cơ hạt nhân mà Tehran cho là Israel thực hiện.
Năm 1992, một quả bom phát nổ tại đại sứ quán Israel ở Argentina khiến 29 người thiệt mạng. Israel đổ lỗi cho Hezbollah và Iran. Năm 2012, các nhà ngoại giao Israel ở Ấn Độ, Gruzia và Thái Lan đã bị nhắm tới. Israel và các nước cũng đổ lỗi cho Iran nhưng Tehran phủ nhận.
Nghị sỹ Iran Jalal Rashidi Kochi đề xuất rằng Tehran nên trả đũa bằng cách tấn công đại sứ quán Israel ở Azerbaijan.
Bà Vakil cho nói rằng khó có khả năng Iran sẽ tấn công các cơ quan ngoại giao của Israel ở nước ngoài, bởi Tehran “không muốn mất bất kỳ lợi thế nào” mà họ có được từ cuộc tấn công hôm 1/4.
“Kể từ ngày 7/10/2023, đã có rất nhiều lời chỉ trích rằng Iran đã mất khả năng răn đe”, bà Vakil nói, đồng thời cho rằng Tehran sẽ cố gắng chứng tỏ rằng họ vẫn duy trì được khả năng đó mà không gây ra một cuộc chiến lớn hơn.
Sẽ không có hành động quân sự trực tiếp
Israel được cho là đã tăng cường nhắm mục tiêu vào các quan chức Iran kể từ ngày 7/10. Phản ứng từ Tehran cho đến nay phần lớn chỉ giới hạn ở những lời cảnh báo sắc lạnh nhưng hầu hết những lời đe dọa đó chưa trở thành hành động.
Các nhà phân tích cho rằng lần này Iran sẽ buộc phải hành động do tính chất leo thang của cuộc tấn công hôm 1/4, nhưng cảnh báo rằng Tehran có thể rơi vào bẫy. Một cuộc chiến rộng hơn với Israel sẽ kéo các quốc gia phương Tây đứng về phía Israel vào thời điểm nước này ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế do chiến dịch quân sự của họ ở Gaza.
“Quả bóng đang ở phía Iran. Israel đang kích động Iran phản ứng. Có lẽ Iran đang chờ đợi thời cơ và không để câu chuyện về Israel thay đổi từ Gaza sang Syria và Iran”, ông Vali Nasr, một học giả về Trung Đông và cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Bà Vakil cho rằng, Iran khó có thể đáp trả bằng một cuộc tấn công quân sự trực tiếp. Thay vào đó, Tehran có thể sẽ “tận dụng xu hướng quốc tế đang lên án cuộc chiến ở Gaza” để làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến rộng hơn trong khu vực và cô lập Israel hơn nữa.
Biết rõ rằng cả Israel và Mỹ đều muốn tránh một cuộc chiến rộng hơn trong khu vực, Iran sẽ cố gắng tận dụng những động lực này để câu giờ và mang lại lợi thế cho mình.
“Tôi nghĩ Iran sẽ chơi nhiều quân bài cùng một lúc, bao gồm các cuộc tấn công mạng, đối đầu quân sự cấp thấp thông qua lực lượng ủy nhiệm và công kích ngoại giao”, bà Vakil nói.
Tuy nhiên, ông Farzan Sabet, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Quản trị Toàn cầu ở Thụy Sĩ nhận định việc không có hành động quân sự trực tiếp có thể tạo ra rủi ro lớn cho Iran. Israel sẽ có thời gian và không gian để giải tán từng mặt trận của Trục Kháng chiến sau khi chiến dịch lớn ở Gaza đã hoàn tất. Điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của Iran trong khu vực.