Làng tỷ phú nhờ 'mua của người chán, bán cho người cần', xuất sang châu Âu
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:38, 04/04/2024
Làng Đông Bích (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, từ nhiều năm nay nổi tiếng nhờ nghề buôn tóc. Làng Đông Bích nằm nổi bật ở một góc của xã Đông Thọ bởi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.
30 năm trước, làng Đông Bích (xã Đông Thọ) là một làng quê nghèo. Từ giữa những năm 90, một số người làng Đông Bích bắt đầu với nghề buôn tóc và dần phát triển.
Một số người cao tuổi trong làng kể, khoảng 20 năm trở lại đây nghề buôn tóc ở đây mới phát triển mạnh mẽ.
Đường dẫn vào làng Đông Bích san sát những ngôi nhà cao tầng, nhờ nghề buôn tóc, cuộc sống của người dân trong làng đã thay đổi, phát triển mạnh mẽ.
Nhờ nghề buôn tóc, đời sống người dân làng Đông Bích ổn định, nhiều hộ thành tỷ phú nhờ nghề này.
Dạo quanh làng Đông Bích không khó để bắt gặp những cơ sở sơ chế, làm đẹp cho từng sợi tóc.
Người dân làng Đông Bích ví nghề này là "mua của người chán, bán cho người cần". Nơi đâu có tóc là dân làng Đông Bích đến mua.
Sau khi mua tóc thô, tóc rối, người dân làng Đông Bích sẽ phân loại, sơ chế, chỉnh trang cho từng sợi đều, đúng đầu cuối,... Giá nhập vào và bán ra các loại tóc được xem là bí mật của dân làng, bởi họ quan niệm nếu tiết lộ sẽ khó thu mua.
"Mỗi loại tóc, các bước sơ chế, thành phẩm sẽ có giá cả riêng nhưng đây là điều bí mật không thể tiết lộ với người ngoài", ông H., người dân làng Đông Bích chia sẻ và đánh giá tất cả các khâu để hoàn thiện một sản phẩm tóc đẹp đều rất quan trọng, cần độ chính xác cao.
Ở làng Đông Bích mỗi hộ chuyên sâu về một chủng loại tóc, người chuyên tóc dài, người tóc rối, người chỉ mua tóc vụn, người sơ chế,... Để hoàn thiện một bộ tóc phải mất từ 5 đến 7 ngày.
Theo ông H., làng Đông Bích hiện có hơn 80% gia đình làm nghề liên quan đến tóc. Mặc dù cả nước đã có thêm nhiều nơi buôn tóc nhưng các sản phẩm từ tóc ở làng Đông Bích mang nét đặc trưng riêng, không nơi nào có được. Để đảm bảo công việc, nhiều cơ sở còn thuê công nhân ở các địa bàn lân cận như Sóc Sơn (Hà Nội) hay Bắc Giang,... đến làm việc.
Những bộ tóc dài, dày sẽ bán được giá cao. Muốn mua được tóc nguyên bản giá cao, người thu gom phải đến những vùng núi cao hay vùng quê hẻo lánh, nơi người dân ít sử dụng hóa chất tác động vào mái tóc.
Bà Nguyễn Thị Luyến (52 tuổi, quê Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, việc trồng lúa sản xuất theo thời vụ nên thời gian rảnh rỗi bà tìm đến làng Đông Bích làm thuê các công việc sơ chế tóc để kiếm thêm thu nhập.
"Ở đây chúng tôi làm việc theo tiếng, nếu bận có thể xin nghỉ sớm hoặc đi làm muộn", bà Luyến nói.
Ông Lê Duy Thiện (50 tuổi, người dân làng Đông Bích) đánh giá, trong công đoạn gia công tóc khâu chạy máy là quan trọng và vất vả nhất, khâu này để phân biệt đầu, chân tóc.
"Để có được một sản phẩm tóc tốn rất nhiều công, cần sự kiên trì, tỷ mẩn, cẩn thận, các khâu không được phép sai sót", ông H. chia sẻ và cho biết các khâu chính để hoàn thiện một bộ tóc hầu hết do phụ nữ đảm nhiệm còn cánh đàn ông đi kiếm "hàng" làm những công việc phụ.
Sau khi thu mua về, tóc sẽ được sơ chế, chăm sóc, phân loại tại các xưởng gia công. Từng sợi tóc được các công nhân gỡ rối, sắp xếp đầu cuối.
Lãnh đạo UBND xã Đông Thọ cho biết, nghề buôn tóc là nghề thế mạnh của làng Đông Bích đã có từ nhiều năm. Sản phẩm tóc của làng Đông Bích hiện được bán sang cả châu Mỹ, châu Âu,...