Ngày 4/4 năm xưa: Chiến dịch Operation Babylift mở đầu bằng tai nạn thảm khốc

Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 04/04/2024

Ngày 4/4/1975, chiến dịch nhân đạo Không vận trẻ em (Operation Babylift) của Mỹ tại Việt Nam đã bắt đầu bằng một thảm kịch. 20 phút sau khi cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, chiếc máy bay quân sự C-5A Galaxy mang số hiệu 68-0218 chở 313 người đã rơi xuống một cánh đồng gần sông Sài Gòn vào lúc 16 giờ 45 phút chiều.

Ngày 3/4/1974, tổng thống Mỹ Gerald Ford đã công bố khởi động chiến dịch Operation Babylift (Không vận trẻ em). Đây là kết quả của hàng loạt thỉnh cầu gửi lên chính phủ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em tại Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam đang dần đi đến hồi kết.

Kế hoạch của chiến dịch là tổ chức 30 chuyến bay để sơ tán hơn 2.000 trẻ mồ côi và trẻ em Việt là con lai từ Sài Gòn sang Mỹ làm con nuôi.

tai-nan-tham-khoc-cua-may-bay-my-cho-tre-em-viet.jpg
C-5A Galaxy là máy bay vận tải lớn nhất thế giới 

Từ căn cứ Clark ở Philippines, chiếc C-5A Galaxy do phi công Dennis Bud Traynor điều khiển đến Sài Gòn làm nhiệm vụ mở màn. Lịch trình là bay từ Sài Gòn sang Philippines để chuyển sang máy bay dân sự đi tiếp sang San Francisco (Mỹ).

Sau khi đạt độ cao hơn 7000m và bay đến khu vực Vũng Tàu, chiếc C-5A Galaxy bị phát hiện có trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng, Bud Traynor quyết định quay trở lại Tân Sơn Nhất ngay lập tức nhưng gần đến nơi thì máy bay rơi. Cú va đập quá mạnh và tiếp tục trượt dài trên mặt đất khiến máy bay vỡ thành nhiều mảnh.

zing_babylift__c5a_crash_5_11zon.jpg
Chiếc máy bay khổng lồ chỉ còn là đống phế liệu nát bươm. Ảnh: Corbis

Cánh đồng mà chiếc máy bay rơi thuộc khu vực đường Vườn Lài, Quận 12 (TP. HCM) ngày nay. Trực thăng cứu hộ có mặt ngay sau đó nhưng thảm kịch đã cướp đi sinh mạng của 153 người bao gồm 76 trẻ Việt Nam (có tài liệu nói 78 hoặc 79 em). 175 người trong đó có 150 trẻ may mắn sống sót.

zing_babylift__c5a_crash_3_11zon.jpg
Số trẻ em sống sót tiếp tục được đưa sang Mỹ. Ảnh: Corbis

Vụ tai nạn lập tức được báo chí thế giới đưa tin rầm rộ, càng làm cho không khí ở Sài Gòn những ngày đó thêm nóng hổi, đồng thời cũng dấy lên những lo ngại và cả chỉ trích của dư luận Mỹ xung quanh ý nghĩa của chiến dịch.

Hoạt động cứu hộ gặp khó khăn do hiện trường nằm giữa cánh đồng bùn lầy và trong vùng giao tranh khốc liệt. Toàn bộ trẻ em sống sót sau đó được tiếp tục đưa đến Mỹ bằng một chuyến bay khác, trong khi những nạn nhân nhỏ tuổi thiệt mạng được hỏa táng và chuyển đến chôn cất tại nhà thờ Thánh Nicola ở Pattaya (Thái Lan).

tai-nan-tham-khoc-cua-may-bay-my-cho-tre-em-viet-2.jpg
Hiện trường vụ tai nạn chỉ toàn sắt thép nát vụn, khói lửa cháy ngùn ngụt. Ảnh: Corbis

Một doanh nhân người Mỹ tên là Robert Macauley nghe tin phải cần ít nhất 1 tuần để di tản các trẻ em mồ côi còn sống sót, ông đã mướn cả chiếc Boeing 747 của hãng Pan Am và tổ chức để cho 300 trẻ em mồ côi có thể ra khỏi nước. Chi phí chuyến bay được ông thanh toán bằng cách đem cầm cố cả biệt thự hạng sang của gia đình mình.

Sau tai nạn, chiến dịch vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt 10 ngày sau đó, và kết thúc vào ngày 26/4, số trẻ em được mang đi lên đến hơn 3300 thay vì chỉ 2000 như dự kiến. Theo báo Spiegel, hơn 2000 trẻ được đưa sang Mỹ, số còn lại sang Canada, một số nước châu Âu và Úc.

Chuyến babylift cuối cùng diễn ra 26/4/1975, 3 ngày trước khi bắt đầu cuộc di tản cuối cùng của nhân viên Mỹ khỏi Việt Nam

zing_babylift__c5a_crash_2_11zon.jpg
Một tờ báo tại Mỹ đưa tin về vụ tai nạn nhưng sai về số nạn nhân là 178 người

Dù mang mục đích nhân đạo, với nhiều trẻ sau đó tìm được mái ấm của mình ở Mỹ, Canada và nhiều nước Châu Âu, nhưng chiến dịch cũng gây ra nhiều tranh cãi như về điều kiện vận chuyển, mức độ an toàn hay bản thân sự cần thiết của chiến dịch.

Rất nhiều em bé được đưa ra khỏi Việt Nam khi đó không phải là trẻ mồ côi, mà thực tế được cha mẹ các em “gửi” lên chuyến bay để sơ tán sang Mỹ trước, kéo theo nhiều cuộc tranh chấp về quyền nhận nuôi con sau khi các gia đình này cập bến bên kia bờ Thái Bình Dương hậu 30/04/1975. Nhiều “trẻ em khi lớn lên cũng phải đối mặt với định kiến và kỳ thị, cũng như cảm giác lạc lõng trong gia đình nhận nuôi và xã hội.

tai-nan-tham-khoc-cua-may-bay-my-cho-tre-em-viet-8.jpg
Dennis Bud Traynor may mắn sống sót

Chiếc máy bay C5-Galaxy bị tại nạn này đã được ghi lại trong một phim tài liệu, của loạt phim Mayday – Alarm im Cockpit. Phim này được chiếu lần đầu tiên ở Đức trong tháng 11 năm 2009 trên đài truyền hình N24. Một phim tài liệu khác về tai nạn này 2009 đã được giải thưởng ở Cannes, có tên "Operation Babylift, the lost children of Vietnam”.

mv5bmjg5odk5njq3mv5bml5banbnxkftztcwndy3ntu2mg-._v1_.jpg
Poster giới thiệu phim "Operation Babylift, the lost children of Vietnam" 

Ngày 2/4/2010, gần 100 người từng là trẻ babylift từ nhiều quốc gia trên thế giới đến TP. HCM tham dự cuộc đoàn tụ "Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách" do cô Kim Browne, người Anh gốc Việt, tổ chức. Một số thành viên đã đến thăm và tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp.

m5_11zon.jpeg
Landon Carnie, người may mắn sống sót trong vụ tai nạn, trở về thăm Việt Nam và đến thăm hiện trường vụ tai nạn năm 2015. Ảnh:  FB

Năm 2015, một nhóm từng là trẻ babylift trong chuyến bay gặp nạn đã về Việt Nam và được đưa trở lại khu vực Vườn Lài thăm hiện trường thảm họa 40 năm trước.

Bình An (tổng hợp)