Ngày 3/4 năm xưa: Công bố 'Hồ sơ Panama' - cơn địa chấn tài chính và đạo đức toàn cầu

Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 03/04/2024

Ngày 3/4/2016, vụ ‘Hồ sơ Panama’ bắt đầu khi Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố một bộ tài liệu mật của Công ty Luật Mossack Fonseca ở Panama gồm hơn 11,5 triệu tài liệu, tương đương 2,6 terabyte dữ liệu, tiết lộ cách thức công ty này đã giúp các khách hàng của mình trốn thuế và rửa tiền trong gần 40 năm tính từ năm 1977 đến năm 2016. Vụ này gây chấn động toàn cầu bởi mức độ nghiêm trọng cả về tài chính, thuế lẫn…đạo đức.

Các tài liệu này cung cấp thông tin chi tiết về hơn 214.000 công ty, cá nhân thực hiện việc trốn thuế ở nước ngoài. Có khoảng 140 chính trị gia, quan chức trên toàn thế giới, tên tuổi nổi tiếng trong ngành thể thao, nhiều nhà tỷ phú và trùm ma túy. Trong số này có cả…Messi. Argentina còn có hai cái tên nổi tiếng khác là cựu Tổng thống Mauricio Macri, và một thân tín của cựu Tổng thống Nestor Kirchner.

_102134110_gettyimages-519563262.jpg
'Hồ sơ Panama' là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử

Vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử

Công ty Luật Mossack Fonseca được thành lập bởi hai luật sư Juergen Mossack và Ramon Fonseca Mora năm 1983, chuyên cung cấp dịch vụ luật thương mại, dịch vụ ủy thác, tư vấn đầu tư và các cấu trúc kinh doanh quốc tế.

Website của Mossack Fonseca cho biết, họ có thể giúp giảm chi phí, kết nạp và quản lý Private Interest Foundation (một dạng tổ chức tư nhân thành lập theo luật Panama), thực hiện hoạt động kinh doanh tại bất kỳ quốc gia nào và giao dịch bằng bất kỳ loại tiền tệ nào trên thế giới.

panama-papers-2023-mossfon-composite.jpg
Juergen Mossack và Ramon Fonseca Mora

Từ năm 2014, Tờ báo Süddeutsche Zeitung ở Munich (Đức) đã nhận được kho cơ sở dữ liệu nội bộ khổng lồ của Công ty Luật Mossack Fonseca ở Panama từ một nguồn tin giấu tên.

Qúa ngỡ ngàng về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, tờ Süddeutsche Zeitung sau đó đã chia sẻ thông tin với Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) và một số tập đoàn truyền thông thế giới, trong đó có tổ hợp truyền thông ABC của Australia cùng 100 tờ báo ở gần 80 quốc gia nhằm huy động các tổ chức này cùng vào cuộc điều tra.

panama-papers_11zon.jpg
Các tờ báo lớn trên thế giới dành hết 'đất' để đưa tin về 'Hồ sơ Panama'

Có gần 400 nhà báo đã nghiên cứu kỹ các tài liệu trong năm 2015 trước khi đồng loạt công bố vào ngày 03/4/2016. Với 11,5 triệu tài liệu Đây được coi là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất thế giới từ trước đến nay, có lượng hồ sơ nhiều hơn tất cả các vụ rò rỉ tài liệu mật lớn trước đây như: Wikileaks, Offshore Leaks, Lux Leaks và Swiss Leaks…

Mossack Fonseca đã giúp những nhân vật quyền lực xây dựng các công ty vỏ bọc và mở tài khoản ở nước ngoài nhằm trốn thuế. Bảng kiểm toán năm 2015 được công bố cho thấy công ty biết danh tính thực sự của 204 người chủ trong số 14.086 công ty mà hãng này đã hợp tác tại “thiên đường thuế” ở Seychelles, một quần đảo thuộc Ấn Độ Dương.

firma_landingpage_medium.jpg
Qúa nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới có tên trong 'Hồ sơ Panama'

Thời điểm xảy ra vụ việc, Mossack Fonseca có mạng lưới 214.000 công ty “ma”, trải rộng trên 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nơi được gọi là “thiên đường trốn thuế”, như đảo Bristish Island của Anh, Samoa, đảo Seychelles và Panama. Mặc dù nhìn bề ngoài hoạt động của những công ty “ma” này không hẳn trái phép nhưng mục đích các công ty này lập ra nhằm hợp pháp hóa tài sản phi pháp của các quan chức qua những cái tên vay mượn.

Bên cạnh đó, Mossack Fonseca còn bị cáo buộc đã giúp đỡ hoạt động cho các cá nhân và công ty đang chịu lệnh trừng phạt kinh tế của Liên hợp quốc. Mossack Fonseca hiện đã làm việc với 33 cá nhân và công ty đang chịu lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, trong đó có các công ty đặt trụ sở tại Iran, Zimbabwe và Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Mossack Fonseca tiếp tục làm bình phong cho các doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen để tiến hành các hoạt động tài chính, bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.

Chính phủ các nước vào cuộc

Các quốc gia trên thế giới cùng vào cuộc ngay sau khi vụ việc vỡ lở. Một trong những nạn nhân chính trị đầu tiên của Hồ sơ Panama là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson. Tài liệu tiết lộ ông và vợ đã lập tài khoản ở nước ngoài thông qua một công ty bình phong. Ông từ chức vào ngày 5/4/2016, hai ngày sau khi nổ ra vụ việc. Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha José Manuel Soria cùng tuyên bố từ chức.

twitter_resigns.jpg
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức chỉ sau hai ngày vụ việc bị công bố

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang xem xét các báo cáo về những thỏa thuận và giao dịch tài chính ở nước ngoài mà nhiều chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới có liên quan. Chính phủ Canada đã yêu cầu được cung cấp một bản sao dữ liệu về danh sách khách hàng được Mossack Fonseca giúp trốn thuế.

Tại châu Âu, Trưởng đoàn nghị sĩ đảng Cánh tả tại Quốc hội Đức S. Wagenknecht đã yêu cầu xem xét thành lập Ủy ban điều tra ở Quốc hội nhằm điều tra việc trốn thuế. Bộ Tài chính Pháp cũng thông báo sẽ tìm cách tiếp cận các tài liệu trên và có biện pháp trừng phạt những đối tượng trốn thuế.

activist-contempt-elite-newspaper-costume-scandal-panama-april-14-2016_11zon.jpg
Báo Le Monde của Pháp giễu cợt về vụ Hồ sơ Panama

Thủ tướng Cộng Hòa Séc Bohuslav Sobotka yêu cầu các cơ quan thuế của Séc điều tra khoảng 300 công dân nước này có tên trong “Hồ sơ Panama”. Chính phủ Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Áo, Na Uy, Thụy Điển, Ukraine, Costa Rica… cũng tuyên bố điều tra các công dân nước mình có tên trong hồ sơ.

Sự xói mòn của các tiêu chuẩn đạo đức

Sự thành công trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” do các nhà báo và các tòa soạn cùng tham gia điều tra cho thấy họ đã vượt qua được sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông, quyết tâm giữ bí mật, cùng đợi “giờ G” (ngày 03/4/2016) đồng loạt công bố và tạo nên cơn “địa chấn” tài chính toàn cầu.

Theo ICIJ, sự tinh vi là tài liệu vẻ ngoài không cho thấy điều gì bất hợp pháp nhưng thực chất che giấu sự thật về các vụ giao dịch và sở hữu tài chính.

netflix-y-macri-20190213-641250_11zon.jpg
Phim tài liệu 'Hồ sơ Panama' trên Netflix

Năm 2016, Netflix mua bản quyền cuốn sách nói về vụ này có tên “Panama Papers: Breaking the story of how the world’s rich and powerful hide their money” để dựng thành phim tài liệu.

Tháng 5/2016, một cá nhân tự xưng là John Doe đã xuất bản một tuyên bố dài 1.800 từ giải thích lý do đằng sau quyết định công bố các tài liệu được thúc đẩy bởi: “sự tham nhũng tràn lan, tràn lan” và sự thất bại của các chính phủ trên toàn thế giới trong việc giải quyết vấn đề này”.

John Doe kết luận đầy cay đắng: “bất bình đẳng về thu nhập là một trong những vấn đề nhức nhối của thời đại chúng ta… Tác động chung của những thất bại này là sự xói mòn hoàn toàn các tiêu chuẩn đạo đức, cuối cùng dẫn đến một hệ thống mới mà chúng ta vẫn gọi là Chủ nghĩa tư bản”.

Bình An (tổng hợp)