Tự làm bác sĩ thời điểm nhiều dịch bệnh, nguy cơ bệnh nặng hơn

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:00, 02/04/2024

Thời tiết thay đổi cùng với việc gián đoạn tiêm chủng thời gian qua đang làm cho nhiều dịch bệnh như cúm, ho gà, sởi, rubella... gia tăng. Các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhất là dại và cúm A/H5N1 cũng có diễn biến phức tạp. Khi mắc bệnh, nhiều người tự làm bác sĩ khiến bệnh tình càng nặng thêm.
Tự làm bác sĩ thời điểm nhiều dịch bệnh, nguy cơ bệnh nặng hơn
Mẫu thuốc chữa đái tháo đường bệnh nhân sử dụng sau đó bị ngộ độc phải vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu. Ảnh: Thành Dương

Bị viêm long đường hô hấp, gia đình tự mua thuốc không rõ nguồn gốc về uống, một bé gái 13 tuổi ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã nổi mẩn da và được chẩn đoán mắc hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP).

Sau dùng thuốc 1 ngày, bệnh nhi xuất hiện mảng đỏ da tăng dần với nhiều mụn mủ kích thước 2-3mm phân bố đối xứng hai bên ở da đầu ngực, lưng, chân, tay, không sốt, không ghi nhận khác ở lưỡi, đau khớp cũng như bệnh lý nền khác.

Sau 3 ngày theo dõi, hầu hết mụn mủ, hồ mủ tróc bong nhiều vảy, không nổi thêm sang thương mới. Bệnh nhị được xuất viện sau 5 ngày điều trị.

Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân bị suy gan, suy tủy xương do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.

Bệnh nhân nhập viện với tình trạng đau sưng phù môi, miệng, vùng mặt và vùng cổ, nổi ban đỏ, đau ngực, đau họng, mệt mỏi.

Trước đó, ngày 12.1, bệnh nhân K.T.S (38 tuổi, trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) nhập viện với tình trạng đau sưng phù môi, miệng, vùng mặt và vùng cổ, nổi ban đỏ, đau ngực, đau họng, mệt mỏi.

Sau khi khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc thể Stevens-Johnson, suy gan, suy tủy xương thiếu máu giảm 3 dòng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, viêm loét dạ dày, tụt huyết áp.

Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử đau khớp, viêm mũi và đã mua thuốc trên mạng để điều trị. Thuốc này được mọi người truyền tai nhau là tốt nên một số người dân trong làng đã nhập về bán số lượng lớn với giá 10.000 đồng/1 gói.

Không ít trường hợp phải cấp cứu vì tự mua thuốc về điều trị. Thời tiết nồm ẩm rất dễ mắc các bệnh cúm nên nhiều gia đình chuẩn bị trước vài vỉ thuốc trị cúm Tamiflu. Khi có triệu chứng cúm tự uống thuốc điều trị tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ định với những trường hợp đặc biệt hoặc biến chứng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Người không bị cúm mà vẫn cho uống Tamiflu sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Nói chung thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Đáng lo ngại hơn, nếu dùng thuốc này nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng virus kháng thuốc.

Do đó, khi bị mắc cúm, người bệnh không được tự ý mua thuốc Tamiflu dùng ngay mà việc đầu tiên là cần phải đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm. Khi xác định đã mắc cúm, người bệnh sẽ được điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng thuốc theo đơn cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ chuyển biến nặng. Đặc biệt, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

hà lê