Điểm tin công nghệ 3/4: iPad 2024 bất ngờ bị hoãn lịch ra mắt
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 03/04/2024
- iPad 2024 bất ngờ bị hoãn lịch ra mắt
Theo nhiều chuyên, iPad 2024 sẽ bị hoãn ra mắt tới đầu tháng 5, trong khi trước đó hãng công nghệ Mỹ đã có kế hoạch ra mắt trong tháng 3/2024.
Theo Mark Gurman, phóng viên của Bloomberg, iPad 2024 sẽ được lùi lịch ra mắt vào tháng 5/2024. Lịch trình ban đầu dự kiến cho sản phẩm này là tháng 4/2024. Tuy nhiên, do một số vấn đề trong quá trình sản xuất của đối tác Samsung, đã khiến Apple buộc phải dời ngày ra mắt muộn hơn một tháng.
Trước đó, theo nhiều nguồn tin iPad 2024 thế hệ mới sẽ được giới thiệu với người tiêu dùng toàn cầu bao gồm 2 phiên bản là iPad Pro và iPad Air. Sự xuất hiện của các mẫu iPad 2024 này được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú hích cho thị trường máy tính bảng toàn cầu.
Đặc biệt, sau một năm Apple không ra mắt iPad thế hệ mới, nhiều người yêu công nghệ kỳ vọng mẫu iPad 2024 sẽ có nhiều điểm cải tiến đột phá và ấn tượng hơn so với các phiên bản tiền nhiệm.
Trong thông tin rò rỉ, iPad Pro thế hệ mới dự kiến sẽ được Apple trang bị màn hình OLED và chip M3 thế hệ mới. Đối với iPad Air 2024 sẽ chia thành hai phiên bản bao gồm 12,9 inch và 10,9 inch. Toàn bộ màn hình OLED trên các mẫu iPad 2024 sẽ được nhà sản xuất Samsung Display thực hiện.
- Google hủy hàng tỷ dữ liệu duyệt web riêng tư của người dùng
Google đã đồng ý tiêu hủy hàng tỷ hồ sơ dữ liệu để dàn xếp vụ kiện rằng công ty đã bí mật theo dõi hoạt động trên Internet của những người dùng sử dụng trình duyệt web ẩn danh.
Các điều khoản của thỏa thuận đã được đệ trình vào ngày 1/4 lên tòa án liên bang Oakland, California và cần có sự chấp thuận của Thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers.
Các luật sư của nguyên đơn định giá thỏa thuận này là hơn 5 tỷ USD, thậm chí có lúc lên tới 7,8 tỷ USD. Google sẽ không bồi thường thiệt hại nhưng người dùng có thể kiện riêng công ty về những thiệt hại của họ.
Vụ kiện tập thể bắt đầu vào năm 2020, gồm hàng triệu người dùng Google đã sử dụng tính năng duyệt web ẩn danh kể từ ngày 1/6/2016.
- Người dùng đã có thể sử dụng ChatGPT miễn phí mà không cần tài khoản
Trước đây khi sử dụng ChatGPT dù là bản miễn phí hay trả phí bạn đều phải đăng nhập tài khoản, điều này tỏ ra bất tiện với nhiều người dùng nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi.
OpenAI mới đây đã thông báo rằng người dùng không cần phải đăng ký tài khoản để sử dụng dịch vụ nữa. Thông báo được đưa ra qua nhiều kênh khác nhau, bắt đầu bằng một blog chính thức trên trang web của OpenAI và ngay sau đó, một bài đăng đã xuất hiện trực tuyến trên X tiết lộ rằng người dùng ChatGPT không cần phải đăng ký để bắt đầu sử dụng dịch vụ nữa.
Công ty đã đề cập đến những điều sau trong bài đăng trên blog của mình đồng thời tuyên bố rằng ChatGPT đã trở nên phổ biến rộng rãi khi nó đang được hơn 100 triệu người sử dụng hàng tuần và trên một số quốc gia.
Tất nhiên điều này chỉ áp dụng với bản miễn phí ChatGPT-3.5, nếu muốn sử dụng ChatGPT-4 và các dịch vụ đi kèm như DALL-E thì bạn vẫn cần có tài khoản cũng như trả tiền hàng tháng để sử dụng dịch vụ.
- Canada, Meta đạt thỏa thuận khôi phục nội dung tin tức trên Facebook, Instagram
Canada đã đạt được thỏa thuận với Meta về việc khôi phục mảng tin tức trên Facebook và Instagram sau quyết định gây tranh cãi của Meta về việc xóa nội dung đó để đáp lại dự luật về tin tức trực tuyến.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Chính phủ Canada đã đạt được thỏa thuận với tập đoàn công nghệ Meta về việc khôi phục mảng tin tức trên Facebook và Instagram sau quyết định gây tranh cãi của Meta về việc xóa nội dung đó để đáp lại dự luật C-18 - dự luật về tin tức trực tuyến.
Thỏa thuận trên cho thấy thay đổi đáng kể trong vấn đề phổ biến tin tức và quy định đối với các nền tảng truyền thông xã hội ở Canada.
Thỏa thuận được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán bí mật giữa các cơ quan quản lý Canada và Meta, trong đó cả hai bên đều tìm cách giải quyết những lo ngại do dự luật C-18 nêu ra, cố gắng tìm ra giải pháp mà cả hai bên đồng ý nhằm cân bằng giữa yêu cầu giám sát với nhu cầu về một hệ sinh thái tin tức sôi động và đa dạng.
- Hạ viện Mỹ cấm nhân viên sử dụng chatbot AI của Microsoft
Hạ viện Mỹ đã cấm nhân viên làm việc trong quốc hội sử dụng trợ lý AI Copilot của Microsoft vì nguy cơ rò rỉ dữ liệu.Theo dõi Baoquocte.vn trên
Trang Axios đưa tin, Giám đốc hành chính Hạ viện Catherine Szpindor cho biết, “trợ lý AI Copilot của Microsoft đã bị Văn phòng An ninh mạng xác định là rủi ro cho người dùng vì nguy cơ rò rỉ dữ liệu tới những dịch vụ đám mây không có sự phê duyệt của Hạ viện”.
Trong khi đó, đại diện của Microsoft nói rằng họ nhận thấy “người dùng trong khối chính phủ có yêu cầu bảo mật dữ liệu cao hơn” và công ty cũng đã công bố lộ trình để điều chỉnh những công cụ AI như Copilot đáp ứng các yêu cầu về tuân thủ và bảo mật của chính phủ.
Đây là động thái quản lý mới nhất của chính quyền liên bang Mỹ trong bối cảnh họ tìm cách soạn thảo quy định đối với công nghệ đang thịnh hành này. Hồi tháng 6.2023, Hạ viện Mỹ cũng đã hạn chế nhân viên sử dụng ChatGPT, chỉ cho dùng phiên bản trả phí và cấm sử dụng bản miễn phí của ứng dụng.
Hiện những nhà lập pháp Mỹ đang xem xét rủi ro tiềm ẩn đối với việc sử dụng AI trong các cơ quan liên bang, cũng như những biện pháp đảm bảo quyền riêng tư cá nhân và đối xử công bằng.
- Amazon phát hiện hơn 7 triệu sản phẩm hàng giả, 700.000 tài khoản lừa đảo trong năm 2023
Cuộc chiến chống hàng giả tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng thương mại điện tử Amazon vào năm ngoái, với 7 triệu sản phẩm hàng giả bị thu giữ và 700.000 âm mưu lừa đảo bị phát hiện…
Theo dữ liệu mới nhất được Amazon công bố, vào năm 2023, công ty đã thu giữ 7 triệu sản phẩm hàng giả, nhiều hơn 1 triệu sản phẩm so với năm 2022 trên nền tảng thương mại điện tử Amazon.com.
Trong Báo cáo Bảo vệ Thương hiệu, công ty thương mại điện tử cho biết kể từ khi thành lập Đơn vị chống tội phạm lừa đảo và hàng giả (CCU), Amazon đã truy đuổi và trừng phạt hơn 21.000 âm mưu lừa đảo trên toàn cầu thông qua các vụ kiện và báo cáo lên cơ quan thực thi pháp luật.
“Vào năm 2023, Amazon tăng cường hợp tác chống hàng giả xuyên biên giới với các thương hiệu đa quốc gia và cơ quan thực thi pháp luật. Riêng tại Trung Quốc, công ty đã hợp tác với các đơn vị quản lý thị trường để đột kích 50 địa điểm sản xuất hàng giả; xác định và bắt giữ 100 cá nhân có liên quan đến đến hoạt động sản xuất, cung cấp, phân phối các sản phẩm hàng giả, hàng nhái”, ông Dharmesh Mehta, phó chủ tịch Amazon, nêu rõ trong tài liệu.
Công ty tin rằng những nỗ lực này đang phát huy tác dụng. Vào năm ngoái , Amazon cũng đã đã phát hiện ra 700.000 âm mưu lập tài khoản bán hàng giả. Con số này đã giảm mạnh so với mức 800.000 lần vào năm 2022, 2,5 triệu lần vào năm 2021 và 6 triệu vào năm 2020.