Điểm tin kinh doanh 3/4: Vàng SJC vượt mốc 81 triệu đồng mỗi lượng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 03/04/2024

Xóa độc quyền vàng miếng: Ba DN đầu tiên được đề xuất cấp phép nhập khẩu vàng; Thêm 11 cổ phiếu trên sàn HoSE bị cắt margin
gia-vang-26012024.jpg

- Vàng SJC vượt mốc 81 triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 2.260 USD/ounce. Theo quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 12,5 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cao hơn thế giới 2,1 triệu đồng/lượng.

Chiều 2/4, giá bán vàng miếng đã vượt mốc 81 triệu đồng sau khi tăng thêm 200.000 đồng. Ở chiều mua, giá bán đã tăng mạnh 700.000 đồng trong hôm 2/4.

Theo đó, vào lúc 15 giờ chiều 2/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79,3 - 81,3 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, PNJ niêm yết giá vàng miếng ở mức 79,1 - 81,2 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán. Giá vàng miếng tại DOJI ở mức 78,6 - 81,1 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với cuối phiên trước.

Nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ hôm nay tăng nhẹ, mua bán ở mức 69,7 - 70,9 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng chiều mua và tăng 100.000 đồng chiều bán. Nhẫn Trơn PNJ 999.9 giao dịch ở mức 69,6 - 70,8 triệu đồng/lượng.

Nhẫn tròn DOJI lên mức 69,9 - 71,05 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Phú Quý giao dịch ở mức 69,85 - 71,05 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay trên Kitco hiện ở mức 2.260 USD/ounce. Theo đó, giá vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 12,5 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cao hơn thế giới 2,1 triệu đồng/lượng.

Giá USD trên thị trường tự do hôm 2/4 tăng 40 đồng, ở mức 25.420 - 25.520 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, hiện ở mức 24.680 - 25.050 đồng/USD.

- Xóa độc quyền vàng miếng: Ba DN đầu tiên được đề xuất cấp phép nhập khẩu vàng

Liên quan đến vấn đề xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng là SJC, PNJ và DOJI được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu với định mức 500 kg vàng/năm/doanh nghiệp.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. “Hiệp hội kiến nghị trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp này được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương đương 500 kg vàng/năm đối với mỗi doanh nghiệp”, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tiết lộ.

Theo một thống kê của Vndirect, tính đến tháng 6/2022, cả nước có 5.935 doanh nghiệp đươc cấp phép sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Các doanh nghiệp vàng bạc đá quý lớn trên thị trường có thể kể đến như DOJI, PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Tập đoàn Kim Tín, vàng bạc đá quý Huy Thành,…

Trong đó, 3 doanh nghiệp PNJ, DOJI và SJC đã chứng kiến mức doanh thu ấn tượng trong nhiều năm qua.

- DKSH và Kardex hợp tác cùng nhau

Kardex, nhà sản xuất các hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động (ASRS) chính thức thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với DKSH. Thông qua hoạt động phân phối các giải pháp hàng đầu của Kardex, DKSH sẽ thúc đẩy nhiều cơ hội kinh doanh cho quan hệ hợp tác này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngành kỹ thuật công nghệ của Tập đoàn DKSH thông báo về quan hệ hợp tác với Kardex, nhà cung cấp hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động. Theo đó, DKSH sẽ mở rộng dịch vụ cung cấp cho Kardex bao gồm bán hàng, tiếp thị, hỗ trợ ứng dụng và dịch vụ hậu mãi toàn diện cho Kardex tại các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.

Kardex là doanh nghiệp cung ứng các giải pháp cho lưu trữ và truy xuất, cung cấp các công nghệ đột phá như Module Nâng Dọc (Vertical Lift Module - VLM) Kardex Shuttle, Module Băng Chuyền Dọc (Verticla Carousel Module - VCM) Kardex Megamat, Module Đệm Dọc Kardex Miniload-in-a-Box và các giải pháp phần mềm như Hệ Thống Kardex Power Pick.

Các giải pháp trên được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật cơ khí, công nghiệp kim loại, điện tử, dịch vụ hành chính, buôn bán sỉ lẻ qua thương mại điện tử, và thiết bị dây chuyền tự động. Giải pháp từ Kardex được tuỳ chỉnh giúp tối ưu hoá quản lý quy trình vận hành hiệu quả.

chenh-lech-lai-suat-usd-vnd-xuong-muc-am-cham-ngoi-ty-gia-cf9fb559d19d418da9e5564a72472b98.jpeg

- VinFast khai trương đại lý đầu tiên tại Indonesia

Công ty PT Gallerie Setia Utama chính thức khai trương đại lý VinFast đầu tiên tại Indonesia.

Cửa hàng VinFast của đại lý PT Gallerie Setia Utama tọa lạc tại thành phố Depok, phía tây Thủ đô Jakarta. Cửa hàng được thiết kế hiện đại, trưng bày các dòng xe điện thông minh của VinFast, trước mắt là VF 5 và VF e34. Cửa hàng cũng cung cấp dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng, và sửa chữa xe chuyên nghiệp.

Ngoài PT Gallerie Setia Utama, VinFast dự kiến phát triển mạng lưới đại lý phân phối xe điện trải rộng khắp các thành phố lớn của Indonesia ngay trong năm 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng đối với xe điện.

Trước đó, vào ngày 28/03/2024, VinFast đã công bố mở bán mẫu xe VinFast VF e34 tại Indonesia với mức giá 315.000.000 IDR (chưa bao gồm pin) cùng chính sách thuê pin độc đáo, giúp giảm chi phí sở hữu xe điện và tăng khả năng tiếp cận cho nhiều người dùng hơn.

Bên cạnh đó, VinFast cũng chú trọng phát triển hệ thống trạm sạc tại Indonesia để đảm bảo sự tiện lợi cho khách hàng. Mới đây, nhà sáng lập VinFast đã công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN với mục tiêu mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng điểm trên khắp thế giới, trong đó có Indonesia.

- Thêm 11 cổ phiếu trên sàn HoSE bị cắt margin

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố danh sách bổ sung chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) gồm 11 mã cổ phiếu.

Theo đó, cổ phiếu C32 của Công ty CP CIC 39, cổ phiếu FCN của Công ty CP FECON và cổ phiếu FIT của Công ty CP Tập đoàn F.I.T bị cắt margin là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 là số âm.

Các mã còn lại như cổ phiếu C47 của Công ty CP Xây dựng 47, cổ phiếu CRE của Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ, cổ phiếu HU1 của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD1... bị cắt margin là do báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.

Trước đó, HOSE cũng thông báo về việc bổ sung thêm 2 mã chứng khoán là DQC của Công ty CP Tập đoàn Điện Quang do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 bị âm và cổ phiếu MDG của Công ty CP Miền Đông do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 cũng là số âm.

Tính đến hiện tại, danh sách cổ phiếu bị cắt margin đã có tới 104 mã. Trong đó gồm có các cổ phiếu quen thuộc như: HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, FRT của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va... với lý do chủ yếu là lỗ kiểm toán bán niên 2023, báo cáo tài chính bán niên 2023 có ý kiến của đơn vị kiểm toán hay thời gian niêm yết dưới 6 tháng...

- Thaco lãi hơn 2.700 tỷ đồng năm 2023

Tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương ghi nhận lợi nhuận năm 2023 đạt hơn 2.700 tỷ đồng, giảm hơn 63% so với năm liền trước và là mức lãi ròng thấp nhất của tập đoàn trong 10 năm qua.

CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) vừa có bản báo cáo thông tin tài chính gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Báo cáo mới nhất ghi nhận doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương có lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.700 tỷ đồng trong năm 2023 vừa qua, giảm hơn 63% so với năm 2022. Đáng chú ý, đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất tập đoàn đa ngành này ghi nhận được trong 10 năm qua.

Với kết quả này, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của Thaco đã giảm từ 15,3% năm trước đó xuống còn 5,2% năm 2023.

Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm ngoái của Thaco đạt gần 52.400 tỷ đồng, tương đương tăng gần 4.000 tỷ đồng sau một năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) là 2,26 lần, tương đương mức tổng nợ phải trả hơn 118.300 tỷ đồng.

Theo bản báo cáo, riêng dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của Thaco đã tăng từ 0,17 lên 0,27 lần. Như vậy, tập đoàn của tỷ phú Trần bá Dương còn khoảng hơn 14.100 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.

Việt Báo (Tổng hợp)