Microsoft tách bán lẻ ứng dụng họp trực tuyến Teams khỏi gói Office
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:48, 02/04/2024
Sáu tháng trước, công ty đã bán riêng hai sản phẩm phần mềm tại châu Âu sau khi Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra nhằm vào mối liên hệ giữa Office và Teams, theo đơn kiện của Salesforce - công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin công việc Slack.
Ứng dụng Teams được thêm miễn phí vào Office 365 từ năm 2017, sau đó thay thế Skype for Business và trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch một phần nhờ vào tính năng họp trực tuyến.
Tuy nhiên, các đối thủ cáo buộc việc đóng gói các ứng dụng này vào với nhau mang lại cho Microsoft lợi thế không công bằng. Kể từ tháng 10 năm ngoái, gã khổng lồ phần mềm đã phải bán riêng lẻ hai phần mềm này tại EU và Thuỵ Sĩ.
Năm 1998, Bộ tư pháp Mỹ cũng kiện Microsoft vì sử dụng sự thống trị của nền tảng Windows để ngăn cản cạnh tranh từ các trình duyệt web đối thủ. Cuối cùng, công ty đã phải nới lỏng quyền kiểm soát với những phần mềm mà các hãng sản xuất máy tính có thể cài đặt trên thiết bị của họ.
Giới phân tích nhận định, các trình duyệt Internet đối thủ của Microsoft đã trở nên bùng nổ sau động thái đó. Tuy nhiên, việc Microsoft tách Teams khỏi Office có thể không mang đến tác động tương tự.
“Các sản phẩm dành cho doanh nghiệp là một lĩnh vực khó nhằn. Teams được tích hợp chặt chẽ vào quy trình công việc đến mức việc tách nó khỏi Office khó có thể mang lại nhiều tác động”, chuyên gia Rishi Jaluria từ RBC Capital Markets cho biết.
Theo dữ liệu của Sensor Tower, sau khi Microsoft Teams được tách khỏi Microsoft 365 và Office Suites ở châu Âu vào tháng 10/2023, quy mô cơ sở người dùng của nền tảng này hầu như không thay đổi. Số liệu cho thấy lượng người dùng hằng tháng ứng dụng Teams trong quý I/2024 tương đối ổn định so với quý IV/2023, ở mức 19 triệu.
Microsoft cho biết, bộ Microsoft 365 và Office 365 mới sẽ không bao gồm ứng dụng Teams. Bắt đầu từ ngày 1/4, khách hàng có thể tiếp tục với thuê bao hiện tại, hoặc gia hạn, cập nhật hay chuyển sang ưu đãi mới.
Giá Office không có Teams dao động từ 7,75 USD (khoảng 190.000 VNĐ) đến 54,75 USD (khoảng 1.350.000 VNĐ), trong khi ứng dụng họp trực tuyến có giá bán lẻ là 5,25 USD (130.000 VNĐ). Mức giá này có thể thay đổi theo quốc gia và đơn vị tiền tệ.
Trong 10 năm trở lại đây, Microsoft đã phải trả 2,2 tỷ Euro (2,4 tỷ USD) tiền phạt chống độc quyền tại EU do đóng gói hai hoặc nhiều sản phẩm lại với nhau. Với đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể bị phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu nếu bị kết luận vi phạm.
(Theo Reuters)