Chưa rõ nguyên nhân 30 lô sầu riêng xuất khẩu nhiễm cadimi vượt ngưỡng
Kinh doanh - Ngày đăng : 19:50, 01/04/2024
Thông tin này được ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật), đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 1/4.
Theo ông Hiếu, ngay khi nhận được thông tin về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo, yêu cầu điều tra nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân khiến sầu riêng nhiễm cadimi.
Song đến nay, cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến hàm lượng kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn.
Các chuyên gia nhận định có thể do nhiều nguyên nhân như nguồn đất bị nhiễm cadimi hoặc do nguồn nước, khí thải từ nhà máy; cũng có thể do sau thu hoạch, nguồn nước rửa sản phẩm nhiễm cadimi.
Ông Hiếu cho biết thêm, 30 lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi vượt ngưỡng không phải phía Trung Quốc phát hiện cùng lúc, mà đây là số liệu tổng hợp từ tháng 5/2023.
Số lượng lô hàng sầu riêng nhiễm cadimi chỉ chiếm 0,1% tổng số lô hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, thông báo của Trung Quốc chưa ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu, nhưng cũng là thông tin cảnh báo những nhà sản xuất tại Việt Nam.
Trưởng phòng hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật) thông tin các doanh nghiệp, địa phương đang truy xuất nguồn gốc, làm rõ nguyên nhân từng lô hàng để báo cáo về đơn vị, nên chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng.
Ông Hiếu lưu ý các đơn vị sản xuất cần điều chỉnh biện pháp canh tác nhằm giảm sự hấp thụ cadimi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nên kiểm tra nồng độ cadimi để tránh xuất khẩu các lô hàng không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Trước đó, từ tháng 6/2023 đến tháng 1, 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi (chì) vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc. 30 lô hàng sầu riêng này thuộc 18 doanh nghiệp.
Sau đó, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu 18 doanh nghiệp trong danh sách cảnh báo thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp...
Đồng thời, doanh nghiệp cần tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh tái diễn vi phạm; gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Cục đề nghị các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất những lô hàng bị cảnh báo; thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.