10X liều mình vào sào huyệt buôn người để quay phim tài liệu

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 13:05, 01/04/2024

Sau gần 2 năm liều mình sang Campuchia quay phim tài liệu, Nông Thảo Ly (SN 2000, Cao Bằng) kể lại câu chuyện của bản thân để truyền cảm hứng tới người trẻ.

Liều lĩnh vào sào huyệt buôn người

Đầu năm 2022, Nông Thảo Ly bất ngờ nhận được lời mời từ ê-kíp của VTV sang Camphuchia thực hiện phóng sự về hoạt động buôn bán người và lừa đảo qua mạng. Phút giây do dự Ly nhận được một tấm ảnh khiến cô sững người.

"Tấm ảnh một bình sứ màu trắng, bên trên ghi rõ ngày tháng năm sinh, ngày mất của một bạn nam 17 tuổi. Năm 15 tuổi bạn ấy bị lừa bán sang Campuchia", Ly nói.

10X liều mình vào sào huyệt buôn người để quay phim tài liệu  - 1

Nhìn thấy hộp tro cốt của đồng bào và những giọt nước mắt bất lực của các bậc làm cha, làm mẹ khi chứng kiến đứa con thơ dại bỏ mạng nơi đất khách, Ly đau lòng. Đó cũng là động lực để Ly nhận lời tham gia dự án đặc biệt.

Ly biết chuyến này đi chắc chắn rất nguy hiểm, nên soạn sẵn bức thư dài 4 mặt để lại ở phòng trọ Hà Nội. "Việc em đi tác nghiệp như vậy hoàn toàn giấu gia đình, bạn bè", Ly nói. Đến giờ nghĩ lại, Ly chưa từng hối hận vì quyết định của mình. Cô gái trẻ chỉ muốn làm điều gì đó, để không còn ai rơi vào cảnh như vậy.

Tới Campuchia, ê-kíp “Bẫy” chia ra làm hai nhóm, một nhóm ở vòng ngoài tiếp ứng đề phòng có chuyện bất trắc, nhóm còn lại trà trộn vào các công ty ma giả làm nạn nhân quay tư liệu.

Cô gái gốc Cao Bằng thâm nhập thành công vào công ty lừa đảo xuyên quốc gia đặt trụ sở trong một toà chung cư cũ, xung quanh phủ kín hàng rào thép gai, tường bao kiên cố. Camera gắn mọi ngóc ngách, mỗi tòa nhà có hàng chục đến hàng trăm bảo vệ. Tại đây, Ly gặp nhiều người Việt bị lừa bán vào làm 'tay sai' cho tội phạm do tin những lời dụ dỗ ngon ngọt trên mạng.

Trong căn phòng làm việc, hàng trăm người với hàng trăm máy tính hoạt động hết công suất, chuyên đi lừa đảo những nạn nhân trên mạng xã hội bằng các hình thức: giả danh các sàn thương mại lớn để làm nhiệm vụ, nhận hoa hồng, đánh bạc trực tuyến.

“Những ngày đầu, em giả vờ không biết gõ bàn phím, không biết sử dụng máy tính để kéo dài thời gian học việc. Mỗi ngày, em và các “đồng nghiệp” bất đắc dĩ ở đó phải ngồi ở văn phòng từ 8h sáng đến 10h tối, không được ngủ, không được đi vệ sinh quá 3 lần, mỗi lần không được quá 5 phút. Hễ ai ngủ gật trong giờ làm việc là 'ăn' ngay cú tát vào mặt”, Ly nhớ lại.

Căn phòng khoảng chừng 30m2 nhưng có tới 4 người canh gác và 14 chiếc camera để giám sát nhất cử nhất động của "nhân viên". Hai tuần đầu cô gái trẻ căng thẳng, mệt mỏi đến kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần.

Ăn không dám ăn ngủ không dám ngủ, Ly vừa phải lo nghĩ cách quay thế nào trên văn phòng để không bị phát hiện, vừa phải giờ vờ ngoan ngoãn ngồi hơn 13 tiếng đối phó với các bài kiểm tra dồn dập trong lò đào tạo lừa đảo dành cho người mới. Sau khi tan làm, Ly cần tiếp cận với một số nạn nhân và nhân viên hậu đài của công ty phỏng vấn, quay video thật khéo để có đủ tư liệu.

Bằng những kỹ năng nghiệp vụ tích luỹ được, Ly thành công quay được các thước phim 'đắt giá', nhưng không may trong những cảnh quay cuối cùng, cô và đồng nghiệp bị phát hiện. Ngay lập tức, Ly bị bán đến địa điểm buôn người và lừa đảo mới tại Thái Lan, giáp biên giới Campuchia.

Trong 12 tiếng ròng rã trên xe di chuyển, cảm giác của cô gái 22 tuổi gói gọn trong hai chữ tuyệt vọng bởi chỉ cần có ý định bỏ trốn hoặc kêu la trong xe cầu cứu, bọn chúng sẽ ngay lập tức nổ súng. Ly chỉ còn cách giữ im lặng.

Tại hang ổ mới, phải chứng kiến đồng hương bị chích điện, đánh đập mỗi ngày, Ly quyết định liều thêm một lần. Ly liên hệ với ê-kíp, kế hoạch chạy trốn được lập nên.

"Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao khi bị bán sang công ty mới em vẫn được dùng điện thoại. Trong quá trình chuẩn bị sang Campuchia cả ê-kíp đã chuẩn bị cho mỗi người 2 chiếc điện thoại và 2 chiếc sim nước ngoài, trong sim đều đã đăng ký mạng 4G.

Sang công ty mới chúng em được công ty cũ trả lại 1 chiếc điện thoại đã tháo sim để nạn nhân vẫn có cách liên lạc với người nhà đòi tiền chuộc", Ly thuật lại. Nhờ luôn mang theo chiếc sim dự phòng bên người, Ly có phương tiện để kết nối với ê-kíp.

Quyết định trốn khỏi 'Bẫy' mở là cuộc hành trình lớn trong đời cô gái trẻ, một hành trình đầy máu và nước mắt, nhưng cũng là hành trình mở ra hy vọng sống sót.

Nhân lúc các đối tượng ăn tối, Ly và một số người Việt Nam khác thực hiện bỏ trốn. "Đêm đó trời mưa như trút nước, chúng em phải bò trên mái nhà bằng tôn nên rất trơn trượt, không có điểm bám, nếu sẩy chân thì không còn cơ hội trở về. Em dùng đầu gối bò không dám thở, bò đến kiệt sức, bò đến nỗi đầu đập vào tường cũng không thấy đau", Ly kể.

Sau 5 tiếng căng mình dưới mưa, trèo lên mái nhà, cả ê-kíp trong ngoài phối hợp nhịp nhàng, đoàn người Việt đã chạy thoát khỏi “địa ngục trần gian”.

Đến tháng 10/2022, sau một tháng chật vật nguy hiểm nơi đất khách, Ly trở về nước trong trạng thái kiệt quệ, phải nhập viện cấp cứu do quá lao lực.

Ngay cả khi về đến Việt Nam, cô gái trẻ vẫn còn ám ảnh với tiếng người Việt bị chích điện, bị quật roi vào người lúc nửa đêm. Sau một thời gian Ly mới bình phục cả về thể chất và tinh thần.

10X liều mình vào sào huyệt buôn người để quay phim tài liệu  - 2
10X liều mình vào sào huyệt buôn người để quay phim tài liệu  - 3

Ly chia sẻ hành trình của mình trên trang cá nhân để cảnh tỉnh mọi người trước những lời 'đường mật' về công việc nhẹ lương cao. (Ảnh: NVCC)

Hành trình sống truyền cảm hứng

Để vượt qua những khó khăn ấy, Nông Thảo Ly nói phải cảm ơn tuổi thơ vất vả. Là cô gái dân tộc Tày, sinh ra tại huyện vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng, Ly tự tôi luyện bản thân trở thành cô gái kiên cường, gan dạ.

Nhờ nỗ lực trong suốt 9 năm học tại trường TH&THCS Cần Yên - ngôi trường thuộc vùng 135 xa xôi nơi biên giới, Thảo Ly đạt nhiều thành tích cao và may mắn trúng tuyển trường Hữu Nghị T78 (Việt Lào).

Năm 15 tuổi, cô bé chưa từng bước chân ra khỏi tỉnh phải tạm xa bản làng và gia đình, vượt quãng đường gần 300km, di chuyển 3 lần xe, gần 12 tiếng xuống Hà Nội học cấp 3.

"Vì xa nhà từ bé nên em tự lập hơn các bạn cùng trang lứa, những khó khăn khi sống một mình giúp em trưởng thành mạnh mẽ", Ly bộc bạch.

Học xong cấp 3, Thảo Ly không học đại học, quyết định đi làm ở Hà Nội. Nghỉ học 1 năm, trải qua rất nhiều công việc, có công việc chân tay, có việc được ngồi văn phòng máy tính, để rồi Ly nhận ra: "Việc học thật sự rất quan trọng. Em nghĩ chỉ có đi học mới có thể thay đổi môi trường mà mình đang sống và giúp mình theo đuổi đam mê..." 

10X liều mình vào sào huyệt buôn người để quay phim tài liệu  - 4

Năm 2019 Ly trúng tuyển vào khoa Báo chí truyền Hình của trường Cao Đẳng Truyền hình (VTV college), được cả lớp và cô giáo chủ nhiệm tin tưởng bầu làm lớp trưởng. Kỳ học nào cô gái gốc Cao Bằng cũng đạt được học bổng.

Năm 2021, Ly tốt nghiệp loại Giỏi với điểm rèn luyện xuất sắc. Từ đây con đường làm báo mở ra, đồng thời tạo ra cơ duyên để cô gái trẻ dấn thân vào 'Bẫy' quay phim tài liệu.

Việc học truyền hình giúp Ly gặp được những anh, chị làm báo dày dặn kinh nghiệm đi trước, cũng chính là những người đưa Ly đến dự án đặc biệt mang tên "Bẫy". Họ đều là những người trẻ dũng cảm, cống hiến hết mình vì những tác phẩm giá trị phục vụ khán giả.

Sau gần 1 năm sản xuất, phim tài liệu “Bẫy”, thời lượng 1 tiếng được phát sóng vào cuối năm 2022 trong chương trình VTV đặc biệt. Phim tài liệu nhanh chóng được mọi người chia sẻ, bình luận, trở thành chủ đề nóng thời điểm đó. Phim cảnh báo và định hướng trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến và nạn buôn bán người xuyên biên giới trở nên báo động, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

Bộ phim tài liệu có sự tham gia của cô gái dân tộc Tày giành nhiều giải thưởng lớn như Giải Vàng của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 41, Giải A báo chí Quốc gia năm 2022. Đặc biệt, tác phẩm được vinh danh tại hạng mục Phim tài liệu xuất sắc Cánh diều Vàng 2023.

Sau cơn mưa giải thưởng, Thảo Ly lập kênh Tiktok chia sẻ về hành trình thực hiện tác phẩm để đời. "Em chỉ đăng lên Tiktok với mục đích lưu giữ kỷ niệm và bài học sau chuyến đi nhưng không nghĩ lại nhận được nhiều tình cảm của mọi người", Ly nói.

Mỗi clip Thảo Ly đăng tải kể về hành trình sang Campuchia làm nhiệm vụ đều nhận được lượt tương tác khủng. Cô nàng trở thành người truyền cảm hứng tới giới trẻ. Bên cạnh những lời cảm ơn, khen ngợi, cô gái sinh năm 2000 cũng nhận được một số bình luận tiêu cực cho rằng cô đi vì tiền, vì công danh sự nghiệp.

Ly chia sẻ: "Đọc được những bình luận như vậy em rất buồn. Ngày em đi, em chỉ tâm niệm một điều, làm sao có thể cứu đồng bào mình khỏi những 'cạm bẫy' bên kia bên giới. Nếu nghĩ đến tiền tài danh vọng, có lẽ em đã không đi, vì không ai dám đánh đổi sức khoẻ tính mạng mình vì điều đó".

Sau khi những clip của Ly viral, nhiều người nhận thức rõ hơn về các chiêu trò lừa đảo về thứ gọi là "việc nhẹ lương cao". Nhiều bạn trẻ được truyền cảm hứng học tập, lao động chân chính để có cuộc sống tốt hơn thay vì trao cuộc đời vào tay kẻ khác.

Thời điểm hiện tại, cô gái dân tộc Tày rẽ hướng làm truyền thông vì muốn khám phá thêm nhiều điều mới ở bản thân. Dù vậy, đam mê với nghề báo vẫn luôn thường trực trong cô gái trẻ, khi có cơ hội cô vẫn sẵn sàng cộng tác thực hiện các dự án, phóng sự cùng các đồng nghiệp làm việc tại nhiều cơ quan báo chí trên cả nước.