Loài chim sử dụng "mã vạch" để tìm nơi giấu thức ăn
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 12:02, 01/04/2024
Giống như loài sóc, chim Chickadee có thói quen giấu thức ăn của mình. Tuy nhiên, việc chúng có thể tìm lại chính xác nơi giấu thức ăn từng là một bí ẩn với khoa học trong suốt một thời gian dài.
Một nghiên cứu được công bố vào ngày 29/3 trên tạp chí Cell đã hé lộ bí mật về loài chim này. Hóa ra, để tìm được nơi giấu thức ăn, chim Chickadee phải nhờ đến một tập hợp tế bào thần kinh cụ thể nằm tại trung tâm trí nhớ của não để phát ra một hoạt động ngắn ngủi.
Cách thức hoạt động của việc này tựa như khi chúng ta sử dụng mã vạch để mã hóa, cũng như giải mã thông tin. Đối với chim Chickadee, chúng có thể tìm lại thông tin từ các ký ức qua từng giai đoạn, từ đó mô phỏng lại các sự kiện cụ thể trong quá khứ.
Selmaan Chettih, nhà thần kinh học tại Đại học Columbia, cho biết loại trí nhớ này là một thách thức khi nghiên cứu ở động vật. "Bạn không thể hỏi một con chuột xem nó đã hình thành những ký ức gì trong ngày hôm nay", Chettih chia sẻ. "Đó là một hành trình nghiên cứu kỳ công và vô cùng phức tạp".
Để nghiên cứu trí nhớ của chim Chickadee, Chettih và các đồng nghiệp đã xây dựng một tổ hợp đặc biệt, nhằm tái hiện lại những khu vực có thể giấu thức ăn, gồm 128 khu lưu trữ nhân tạo.
Nhóm nghiên cứu sau đó đưa các thiết bị thăm dò nhỏ vào não của 5 cá thể chim Chickadee, nhằm theo dõi hoạt động điện não của từng tế bào thần kinh, sau đó so sánh hoạt động đó với các bản ghi chi tiết về vị trí và hành vi cơ thể của chim.
Nhờ đó, họ phát hiện ra mỗi khi chim Chickadee tìm thấy đồ ăn tại nơi chúng cất giữ, một sóng não sẽ xuất hiện, và chúng được biểu hiện như một mã vạch.
Tại đó, các tế bào thần kinh của chim Chickadee mã hóa sự hiện diện, cũng như thiếu vắng của các hạt thức ăn trong bộ đệm, tạo thành mối liên hệ giữa 3 mô hình hoạt động thần kinh khác nhau, gồm: mã hóa thông tin, mã hóa địa điểm và mã hóa loại hạt.
"Khi bạn nhớ lại một số sự kiện cụ thể đã xảy ra trong quá khứ, ký ức từng phần đó không thể tách rời khỏi nơi diễn ra sự kiện, hoặc thời điểm sự kiện đó xảy ra", Kazumasa Tanaka, nhà khoa học thần kinh tại Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa, lý giải.
Đó cũng chính là cách thức mà các nhà khoa học dựa vào để giải mã bí ẩn ở loài chim Chickadee.
Selmaan Chettih cho rằng việc nghiên cứu "mã vạch" bộ nhớ ở chim Chickadee có thể mang đến cho chúng ta thêm nhiều kiến thức mới về cách thức hoạt động của bộ não và trí nhớ.