Cấm người lạ tiếp cận để tránh 7 cá thể hổ căng thẳng, bỏ ăn
Khoa học - Ngày đăng : 13:58, 31/03/2024
Đầu năm 2022, vì không có đủ điều kiện nên Vườn Quốc Gia (VQG) Pù Mát (Nghệ An) đã chuyển 7 cá thể hổ tới Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng để chăm sóc, bảo tồn. Đây là các cá thể hổ được phát hiện, bắt giữ trong một vụ án vận chuyển trái phép động vật hoang dã tại tỉnh Nghệ An.
Thời điểm được đưa về VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, mỗi cá thể hổ có trọng lượng trung bình 56-64kg. Qua 2 năm nuôi dưỡng, chăm sóc, hổ nay đã lớn nhanh, khỏe mạnh, con trọng lượng lớn nhất đã hơn 1,5 tạ.
Theo anh Cao Quý Hà (SN 1985), nhân viên chăm sóc hổ tại khu cứu hộ động vật hoang dã, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, việc chăm sóc thú dữ, đặc biệt như hổ, là công việc rất khó khăn, không cho phép có sơ suất.
Anh Hà cho biết, thái độ thân thiện, cởi mở của người chăm sóc là yếu tố rất quan trọng. Mỗi cá thể hổ còn có những tập tính, sinh hoạt khác nhau, vì vậy, người chăm sóc hổ cũng cần phải hiểu được tập tính, những điểm yêu thích của từng cá thể để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp, giúp hổ thư giãn.
"Mỗi ngày hổ được cho ăn 2 lần, thường xuyên thay đổi món ăn. Ngoài hơn 3kg khẩu phần ăn gồm: thịt thỏ, gà, bò, heo…, chúng tôi còn chú trọng đến việc theo dõi sức khỏe của chúng qua kiểm tra việc tiêu thụ thức ăn hàng ngày. Ở đây, chúng tôi cấm người ngoài, người lạ tiếp cận những cá thể hổ để tránh cho chúng bị stress, bỏ ăn…", anh Hà thông tin.
Trước đó vào tháng 8/2023, Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã xây dựng 3 khu nhà kiên cố, xung quanh nhiều cây cối, thoáng mát để tạo môi trường sống tốt hơn cho các cá thể hổ.
Các khu nhà nuôi này cách nhau 50m, không gian xung quanh cây cối rậm rạp, tạo môi trường thoáng mát. Được biết, không gian xung quanh 3 nhà nuôi cũng nằm trong kế hoạch để mở rộng khu nuôi hổ bán hoang dã. Bên cạnh không gian rộng rãi với diện tích 40m2, chuồng nuôi còn có hồ tắm, khu cho hổ vui chơi, leo trèo, chuồng có camera giám sát.
Bên cạnh không gian sống, khẩu phần thức ăn cho hổ cũng được đơn vị chăm sóc hết sức chú ý, bảo đảm phù hợp tập tính sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của hổ. Các cán bộ kỹ thuật tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã được tham gia học tập kinh nghiệm để làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hổ một cách tốt nhất.
Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thông tin, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc hổ được đơn vị lên các phương án hết sức chặt chẽ.
Bên cạnh chăm sóc 7 cá thể hổ, trong năm 2023, đơn vị đã cứu hộ và chăm sóc 128 cá thể động vật hoang dã thuộc 31 loài; thả về môi trường tự nhiên 48 cá thể thuộc 17 loài; tỷ lệ cứu hộ thành công đạt 94,5%.
Theo ông Anh, công tác bảo tồn, phát triển sinh vật hiện nay còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa bảo đảm các tiêu chuẩn để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, chi phí cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã khá tốn kém nhưng kinh phí đặc thù do ngân sách nhà nước cấp những năm qua khá thấp, chưa bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng kiến nghị các cấp, đơn vị có thẩm quyền kêu gọi đầu tư, liên doanh liên kết trong việc khai thác các tiềm năng lợi thế; hỗ trợ sửa chữa cơ sở hạ tầng để bảo đảm phục vụ cho hoạt động bảo tồn, phát triển sinh vật; xây dựng khu bán hoang dã cho hổ, hệ thống hành lang an toàn trong khu cứu hộ động vật hoang dã.