Ai là bị hại trong vụ mất 338 tỷ trong tài khoản Ngân hàng MSB?
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 18:12, 29/03/2024
8 người trình báo
Liên quan đến vụ Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng MSB tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) lừa đảo, trưa 29/3, trao đổi với PV VietNamNet, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan công an đã thông báo về tất cả các bị hại trước thông tin đại chúng.
Theo đó, có 8 bị hại đến cơ quan công an trình báo về việc bị mất tiền trong tài khoản Ngân hàng MSB với tổng số tiền là 338 tỷ đồng. Trong số các bị hại có một người mất 58 tỷ đồng và một người mất 27 tỷ đồng.
Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Bùi Thị Hoài Anh về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, ngày 10/10/2023, Công an TP Hà Nội nhận tin báo của Ngân hàng MSB về việc phát hiện nhân viên ngân hàng này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Căn cứ kết quả điều tra, công an xác định, bà Bùi Thị Hoài Anh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.
"Cơ quan công an đã áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản để trả cho bị hại. Bước đầu xác định không có đồng phạm. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra”, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết và đề nghị bị hại liên quan vụ án liên hệ với cơ quan công an để phối hợp điều tra.
Ai mới là người bị hại?
Nói về vấn đề pháp lý liên quan vụ việc trên, luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Law Firm) cho biết, căn cứ kết quả điều tra, công an xác định bà Hoài Anh đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với diễn biến về vụ việc cho thấy khách hàng giao dịch trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng và giao dịch với cán bộ của Ngân hàng MSB. Vì vậy, số tiền bị mất không phải là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” hoặc “Tội tham ô”; người bị hại ở đây là ngân hàng chứ không phải khách hàng.
Theo luật sư Trương Anh Tú, khách hàng gửi tiền “nằm ngoài” vòng xoáy tố tụng trong vụ việc này bởi vì họ có một quan hệ pháp luật khác với ngân hàng.
“Dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với tài sản đó.
Kể từ thời điểm chuyển giao tiền, người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, nên có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.
Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu, vậy nên bên bị thiệt hại trong trường hợp này phải là ngân hàng", luật sư Trương Anh Tú phân tích.