Shark Thủy bị bắt, người bị hại có đòi được tiền?
Pháp luật - Ngày đăng : 07:00, 28/03/2024
Như VietNamNet đã đưa, ngày 25/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup và Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame.
Để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Ngọc Thủy cùng đồng phạm và đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị những người bị hại khẩn trương trình báo.
Địa chỉ trình báo: Phòng 6/Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, số điện thoại: 0988.866.611.
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, không bất ngờ khi ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thuỷ) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi trước đó nhiều người có đơn thư tố cáo, tố giác gửi đến cơ quan điều tra.
Theo luật sư, trong vụ án này, nếu kết quả xác minh cho thấy, doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản, không còn khả năng trả tiền, nhưng Shark Thuỷ vẫn nhận tiền huy động vốn và cam kết trả tiền đúng hạn, dù biết rõ không có khả năng trả thì đây chính là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, thủ đoạn gian dối còn thể hiện ở giá trị cổ phần mang bán. Nếu các cổ phần đó là "ảo", không có giá trị thực (tăng vốn điều lệ nhưng không nộp tiếp tiền vốn), không chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định của pháp luật, cam kết lợi nhuận cố định 12%-15% (cao hơn lãi suất ngân hàng) như một hình thức vay trả lãi suất để huy động vốn thì đây là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.
Luật sư phân tích, nếu ông Thủy biết các trung tâm tiếng Anh không còn khả năng hoạt động nhưng vẫn nhận tiền đặt trước của các phụ huynh thì đây cũng là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của các phụ huynh.
Bởi vậy, CQĐT sẽ làm rõ hoạt động của các trung tâm tiếng Anh này như thế nào, việc nhận tiền của các phụ huynh được chi tiêu sử dụng ra sao. Nếu có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền học phí này thì đây cũng là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý trong vụ án này.
Có thể với các phương thức thủ đoạn lừa đảo khác nhau, nhưng tất cả các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đều là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người bị hại có đòi được tiền?
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, vụ án này số tiền bị chiếm đoạt và số nạn nhân sẽ rất lớn. Tất cả những người mất tiền từ các dự án đầu tư mua cổ phần, cho vay, nộp tiền vào trung tâm tiếng Anh đều được xác định là người bị hại. Vì thế, họ cần khẩn trương cung cấp thông tin hồ sơ cho Cơ quan điều tra để được xác định tư cách là người bị hại và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Quá trình giải quyết vụ án, những người bị hại có quyền yêu cầu bị can và những người liên quan bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm trả tiền cho người bị hại là trách nhiệm của người phạm tội, là các bị can, bị cáo. Nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thì sẽ bị thu hồi tài sản hoặc thu hồi các tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có để trả lại cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản của tổ chức cá nhân có liên quan để đảm bảo thi hành án.
Nếu bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, hoặc những người thân của bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thay cho bị can một cách trực tiếp thì người bị hại có thể sẽ sớm được bồi thường thiệt hại.