Giá xăng dầu hôm nay 28/3: Thế giới giảm, trong nước có thể trái chiều
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:49, 28/03/2024
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 28/3/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (28/3) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành hôm nay có thể tăng còn giá dầu giảm.
Các doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể tăng 480-600 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel có khả năng giảm 270 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 21/3), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh giá xăng.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 720 đồng/lít, giá bán là 23.210 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 740 đồng/lít, giá bán lên mức 24.280 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 470 đồng/lít, giá bán lẻ là 21.010 đồng/lít. Còn giá dầu hoả tăng 560 đồng/lít, giá lên mức 21.260 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 28/3/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 28/3 đi xuống theo đà giảm từ 2 phiên trước.
Phiên giao dịch 27/3, giá xăng dầu quốc tế giảm nhẹ. Giá dầu Brent trượt về mốc 85 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h27' ngày 27/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 85,76 USD/thùng, giảm 0,49 USD, tương đương 0,57% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 81,18 USD/thùng, giảm 0,44 USD, tương đương 0,54% so với phiên liền trước.
Giá dầu giảm sau khi báo cáo cho thấy dự trữ dầu của Mỹ, nước sử dụng dầu mỏ lớn nhất thế giới, tăng mạnh.
Viện Dầu khí Mỹ (API) vừa công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 22/3 đã bất ngờ tăng vọt tới 9,337 triệu thùng sau khi giảm hơn 1,5 triệu thùng trong tuần trước đó.
Dự trữ các sản phẩm chưng cất cũng tăng 531.000 thùng. Số liệu này trái ngược với dự đoán giảm nhẹ của thị trường.
Cùng với đó, kỳ vọng về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (còn gọi là OPEC+) có khả năng không thay đổi chính sách sản lượng vào tuần tới cũng khiến giá dầu tiếp tục suy yếu.
Đầu tháng này, các thành viên OPEC+ đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 6 tới.
Thậm chí, sản lượng dầu của một số quốc gia xuất khẩu lớn trong nhóm OPEC+ trên thực tế còn có sự gia tăng. Chẳng hạn, sản lượng dầu của Iraq trong tháng 2 đạt 4,64 triệu thùng/ngày, tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 1.