Cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn dằn vặt, xấu hổ với bản thân và gia đình
Pháp luật - Ngày đăng : 14:35, 27/03/2024
Sáng 27/3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị khác tiếp tục với phần bào chữa.
Chưa tròn chữ hiếu
Tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) nói dằn vặt, ân hận và xấu hổ với chính bản thân và gia đình. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật theo tinh thần nhân đạo, nhân văn.
"Bị cáo ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong vụ án, mong tòa xem xét cho bị cáo hưởng mức án khoan hồng", bà Nhàn nói.
Bà Nhàn cho rằng, khi bị tạm giam, bị cáo đã giảm 19kg vì đau xót, chưa tròn chữ hiếu với mẹ thì bị bắt. Bị cáo xuất hiện những cơn đau tim liên tục, trại giam phải đưa đi khám bệnh, dần hồi phục được như ngày hôm nay.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị VKSND TP.HCM đề nghị tuyên phạt chung thân về tội Nhận hối lộ.
Cáo trạng xác định, trong thời gian thanh tra, với tư cách là trưởng đoàn, đã nhiều lần nhận tiền từ Ngân hàng SCB thông qua Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT, đang bỏ trốn), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) và Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của Văn) với tổng số tiền lên tới 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng).
Cụ thể, khoảng tháng 3/2018, Thành và Văn ra Hà Nội, lên phòng làm việc của bà Nhàn ở cơ quan, đưa cho bà này một túi trái cây và một túi đựng 200.000 USD. Đỗ Thị Nhàn nhận tiền rồi mang cất ở nhà.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2018, giai đoạn dự thảo kết luận thanh tra, xin ý kiến các bộ, ngành và sau đó ban hành kết luận thanh tra tại SCB, Văn và Nguyễn Nam Tuấn 3 lần mang các thùng xốp đựng tiền USD để đưa cho Đỗ Thị Nhàn.Tổng cộng 5 triệu USD.
Sau mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, bà Nhàn hỏi thì được cho biết tiền này là của Trương Mỹ Lan cảm ơn vì đã giúp và hỗ trợ SCB trong quá trình thanh tra. Nhận tiền, bà Nhàn cho vào thùng khác, cất giấu trong phòng ngủ.
Khoảng tháng 12/2022, Đỗ Thị Nhàn chia số tiền thành 2 phần, mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Số tiền còn lại, Nhàn cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai, cất trong phòng ngủ rồi khóa tủ và cầm chìa khóa.
Đề nghị xem xét lại tội danh
Bào chữa cho bị cáo Nhàn, luật sư cho rằng, khi đại diện VKS luận tội đã ghi nhận cho Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra 4 tình tiết giảm nhẹ, thế nhưng mức án đề nghị chung thân là quá nghiêm khắc và truy tố tội Nhận hối lộ là không phù hợp.
Theo luật sư, hành vi của các bị cáo trong đoàn thanh tra là một vòng khép kín, các bị cáo khác trong đoàn thanh tra bị cáo buộc với vai trò đồng phạm về tội tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (mức phạt cao nhất chỉ 15 năm tù), thế nhưng chỉ riêng Nhàn bị truy tố tội Nhận hối lộ, có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình, là "quá cao, không công bằng đối với bị cáo". Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại về tội danh đối với bị cáo Nhàn.
Cũng theo luật sư, dù bị cáo Nhàn nhận số tiền 5,2 triệu USD, nhiều hơn so với các bị cáo trong đoàn thanh tra, nhưng đây không phải là căn cứ để định tội danh khác, so với các bị cáo còn lại.
Bên cạnh đó, bị cáo Nhàn không chủ động gặp, thỏa thuận, bàn bạc đối với Trương Mỹ Lan để thực hiện công việc gì giúp cho Trương Mỹ Lan.
Thời điểm nhận tiền đã kết thúc quá trình thanh tra, hoàn tất kết luận thanh tra, ý thức chủ quan khi nhận tiền là thụ động. Điều này có thể coi trách nhiệm thanh tra của bị cáo đã hoàn thành. Việc chỉnh sửa số liệu trong dự thảo báo cáo kết quả thanh tra là do bị cáo nhận chỉ đạo.
Ngoài ra, bị cáo có 4 tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, có thành tích trong công tác.
Từ đó, luật sư mong tòa cho bị cáo hưởng mức án nhân đạo, nhân văn và khoan hồng, với mức án thấp hơn theo đề nghị của VKS.
Đồng thời, luật sư đề nghị tòa xem xét trả lại cho gia đình bị cáo đã nộp thừa số tiền thừa để khắc phục hậu quả so với số tiền mà Nhàn đã nhận hối lộ.