Chiến hạm 'Bora' - Dự án tàu chiến Nga 'độc nhất vô nhị'
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 12:22, 25/03/2024
Tàu tên lửa lớp Bora do Phòng thiết kế hàng hải trung ương Almaz, thuộc Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga phát triển. Hiện Hải quân Nga có 2 chiếc là Bora số hiệu 615 (tên cũ Sivuch) và Samum số hiệu 616 đang phục vụ trong Hạm đội Biển Đen của Nga.
Tàu chiến thuộc Dự án 1239 (NATO định danh lớp Bora), là tàu tên lửa đệm khí tấn công nhanh do Nga sản xuất, được đánh giá “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Ảnh: farm4.static |
Tàu tên lửa đệm khí đầu tiên, Bora, hạ thủy năm 1988 và chính thức được đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu năm 1997. Trong khi đó, chiếc Samum hạ thủy năm 1995 và vào biên chế Hải quân Nga năm 2000.
Chiến hạm Bora được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển, có thể tiêu diệt các tàu mặt nước đối phương trong điều kiện nhiễu nặng và biển động mạnh (cấp 5). Thân tàu được làm bằng thép, kết hợp với hợp kim nhôm-magie chống ăn mòn giúp tăng khả năng chống chịu và tác chiến lâu dài.
Tàu chiến Bora được trang bị nhiều hệ thống điện tử mạnh, gồm radar trinh sát nhận dạng mục tiêu Monolit-K/Monument-E, radar hoa tiêu Gorizont-25, radar trinh sát mục tiêu trên không và trên biển Pozitiv-ME1, radar kiểm soát hỏa lực 5P-10E. Ngoài ra, các thiết bị tác chiến điện tử chủ động và thụ động cũng được tích hợp trên tàu chiến, giúp phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tấn công của đối phương.
Bên cạnh tính năng ưu việt của tàu đệm khí, tàu chiến Bora cũng sử dụng hệ thống động cơ diesel và tuabin khí kết hợp (CODAD), cho phép tàu cơ động nhanh, rất phù hợp với chiến thuật “đánh nhanh, rút gọn” đột kích bất ngờ.
Tàu được trang bị 8 tên lửa hành trình chống hạm P-270 Moskit (3M80) có tốc độ hành trình siêu thanh lên tới Mach 3, tương tự các tàu khu trục trong các hạm đội hải quân Nga. Ngoài ra, tàu có thể lựa chọn lắp các loại tên lửa chống hạm Uran-E (Kh-35), tên lửa đối hạm siêu thanh Yakhont hoặc cả hai. Cụ thể:
Tùy chọn hệ thống tên lửa | Hệ thống tên lửa/ Hệ thống điều khiển hỏa lực | Bệ phóng | Tên lửa chống hạm |
Lựa chọn 1 | Moskit-E/3Ts-81E | 2 x KT-206ME | 8 x 3M-80E |
Lựa chọn 2 | Uran-E/3R-60UE | 4 x 3S-24E | 16x3M-24E |
Tùy chọn 3 | Yakhont/3R50E | 2 x SM-316 | 12 x Yakhont |
Tùy chọn 4 | Yakhont/3R50E, Uran-E/3R-60UE | 2 x SM-316, 2 x 3S-24E | 12 x Yakhont, 8 x 3M-24E |
Ngoài ra, tàu còn được trang bị súng phóng lựu chống biệt kích ngầm DP-6; 4 bệ phóng KT-216 của hệ thống mồi bẫy tầm gần PK-10.
Tàu chiến Bora được trang bị 1 hoặc 2 hệ thống phòng không tầm gần Kashtan-M, 20 tên lửa phòng không 9K33M Osa-MA, 16 tên lửa phòng không vác vai 9K38 Igla, 2 ụ pháo phòng không AK-630.
Ở phía trước boong tàu, tàu được trang bị pháo hạm AK-176M 76,2mm, hoặc 1 pháo nòng đơn 100mm AK-190E, có thể được sử dụng cho mục đích phòng không, chống tàu mặt nước hoặc tấn công mục tiêu ven bờ.
Tàu tên lửa đệm khí lớp Bora có chiều dài 64m, rộng 17,2m, lượng choán nước đủ tải 1.000 tấn, tốc độ tối đa 45 hải lý/, mớn nước khi đầy tải 3,8m, phạm vi hoạt động lên tới 2.500 hải lý ở tốc độ 12 hải lý/giờ và 800 hải lý ở tốc độ 55 hải lý/giờ, thời gian hoạt động liên tục trong vòng 10 ngày. Thủy thủ đoàn gồm 68 người.
Mặc dù sở hữu khả năng cơ động cao, vũ khí uy lực, nhưng tàu chiến Bora vẫn tồn tại một số nhược điểm như kết cấu 2 thân khiến khả năng chống chịu sóng gió kém, vận hành phức tạp và giá thành cao, ước tính từ 180-250 triệu USD/chiếc tùy cấu hình. Do đó, Hải quân Nga không có kế hoạch đóng thêm.
Chiến hạm “Bora” - Dự án tàu chiến Nga “độc nhất vô nhị” trên thế giới |
NGỌC HIẾN (Theo Roe.ru)