Cán bộ thi hành án tự ý lấy xe của dân, 'biến' 19 triệu thành 1,9 triệu

Pháp luật - Ngày đăng : 07:30, 25/03/2024

Một người dân tại Đắk Lắk đã làm đơn tố cáo chấp hành viên thi hành án huyện tự ý lấy xe máy của mình để trả phí thi hành án trong khi người này không có ở nhà.

Chấp hành viên tự ý lấy tài sản của dân

Ông Trần Văn Tám (49 tuổi, trú xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, tố cáo cán bộ thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Krông Bông tự ý lấy xe máy của nhà ông khi vợ chồng ông không ở nhà.

Theo hồ sơ, năm 2018, ông Lê Văn Tám là bị đơn thua kiện trong phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, có trách nhiệm phải tự tháo dỡ tài sản là phần xây dựng lấn sang đất của hàng xóm.

Cán bộ thi hành án tự ý lấy xe của dân, biến 19 triệu thành 1,9 triệu - 1

Chi cục THADS huyện Krông Bông (Ảnh: Thúy Diễm).

Đến tháng 6/2019, do ông Tám chỉ tiến hành tháo dỡ một phần lấn chiếm, chưa tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm như bản án tòa tuyên, Chi cục THADS huyện Krông Bông đã thành lập đoàn cưỡng chế phá dỡ phần lấn chiếm theo bản án của tòa án.

Chi phí cưỡng chế của hộ ông Tám hết 2,7 triệu đồng và ông Tám có trách nhiệm chi trả.

Ông Tám cho biết, ngày 19/6/2019, khi vợ chồng ông không có ở nhà, đoàn cưỡng chế của Chi cục THADS huyện Krông Bông đã vào nhà để "đòi" khoản phí cưỡng chế 2,7 triệu đồng.

"Tôi về nhà nghe 2 con nhỏ nói có người vào nhà lấy xe máy đi rồi, tôi phát hiện chiếc xe mua trên 19 triệu đồng không còn nữa. Tôi sang hàng xóm hỏi chuyện mới được biết đoàn cưỡng chế đã dắt xe của tôi đi khi không có chủ ở nhà", ông Tám bức xúc.

Cũng theo ông Tám, việc chấp hành viên tự ý lấy xe máy của ông để tính phí cưỡng chế khi ông chưa cho phép là hành vi sai trái, việc làm này cũng khiến 2 con nhỏ của ông hoảng sợ.

"Suốt thời gian qua, tôi liên tục gửi đơn khiếu nại nhưng phía Chi cục THADS huyện không chịu trả xe máy cho tôi. Gia đình có mỗi chiếc xe máy là phương tiện để đi làm, nay bị lấy đi khiến việc đi lại của gia đình khó khăn", ông Tám nói.

Ông Tám cho biết thêm, việc ông chưa chấp hành thi hành án do ông đã gửi đơn lên tòa cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị giám đốc thẩm bản án. Tuy nhiên, trong thời gian này ông đã bị cơ quan chức năng địa phương cưỡng chế thi hành án.

Chấp hành viên làm tắt quy trình?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục THADS tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi bản án có hiệu lực, vợ chồng ông Tám liên tục chây ì, trốn tránh việc thi hành án nên Chi cục THADS huyện Krông Bông buộc phải cưỡng chế là đúng quy định pháp luật.

Theo vị lãnh đạo, trước khi cưỡng chế tài sản, Chi cục THADS huyện Krông Bông đã có thông báo thời gian tiến hành cưỡng chế đối với hộ ông Tám. Quá trình cưỡng chế, chấp hành viên biết rằng ông Tám chây ì thi hành án, khó có thể thu phí cưỡng chế nên khi thấy xe máy của ông Tám, người này đã tạm giữ để đảm bảo việc ông Tám thanh toán chi phí này.

"Tại thời điểm cưỡng chế, chấp hành viên đã tạm giữ, đưa về kho của Chi cục THADS huyện Krông Bông bảo quản để thu số tiền chi phí cưỡng chế là chưa phù hợp. Đáng ra, sau khi cưỡng chế xong, đơn vị phải ra thông báo ấn định ngày phải nộp phí cưỡng chế, nếu ông Tám không chấp hành mới cưỡng chế tài sản. Chấp hành viên đã vội vàng, làm tắt quy trình là chưa chuẩn", lãnh đạo Cục THADS tỉnh Đắk Lắk nhận định.

Chi cục THADS huyện Krông Bông cho biết sau khi đưa xe về nhà kho, đơn vị đã nhiều lần ra thông báo cho ông Tám lấy lại tài sản nhưng ông không đến nên đơn vị đã quyết định đưa xe đi bán đấu giá.

Qua nhiều lần bán đấu giá, tháng 2/2021, chiếc xe máy của ông Tám được một người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mua lại với giá hơn 9,2 triệu đồng.

Sau khi trừ các khoản gồm chi phí thi hành án (2,7 triệu đồng), thẩm định giá (2,2 triệu đồng), phí dịch vụ bán đấu giá tài sản (1,7 triệu đồng), chi phí giao tài sản (350.000 đồng), kê biên (375.000 đồng), số tiền dư chỉ còn hơn 1,9 triệu đồng.

Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Đắk Lắk thông tin, Chi cục THADS huyện Krông Bông đã nhiều lần ra thông báo nhưng ông Tám không đến nhận lại số tiền hơn 1,9 triệu đồng. Đơn vị này đã đưa toàn bộ số tiền dư gửi vào ngân hàng, được tính lãi suất.

"Sau 5 năm, nếu ông Tám không lấy lại số tiền 1,9 triệu đồng cùng với lãi suất, chúng tôi sẽ thực hiện quy trình sung quỹ nhà nước theo quy định", vị lãnh đạo này cho hay.

Đối với chấp hành viên thực thi nhiệm vụ không đúng quy định, lãnh đạo Cục THADS tỉnh Đắk Lắk cho biết đã yêu cầu người này kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Nói về lý do không đến trụ sở Chi cục THADS huyện Krông Bông nhận lại xe máy, ông Lê Văn Tám nói: "Chấp hành viên làm sai, họ đã lấy xe ở đâu thì mang trả lại chỗ đó và xin lỗi gia đình chúng tôi vào thời điểm đó tôi sẵn sàng bỏ qua tất cả".

Với việc ông Trần Văn Tám cho rằng đang trong quá trình gửi tòa cấp cao tại Đà Nẵng chờ giám đốc thẩm nên chưa chấp hành cưỡng chế theo bản án, phía chi cục THADS huyện Krông Bông đã có văn bản nêu rõ:

Thời điểm thi hành án, đơn vị không nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị và không nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định.

Bởi vậy, Chi cục THADS Krông Bông khẳng định việc cưỡng chế đối với hộ ông Tám là đúng với quy định pháp luật.

Thúy Diễm