Giá chung cư bị 'thổi phồng', lập tức giảm mạnh nếu có chủ trương này
Bất động sản - Ngày đăng : 20:26, 23/03/2024
LTS: Chung cư Hà Nội tăng giá chóng mặt, nhiều khu vực chỉ trong 1 năm tăng giá trên dưới 30%. Không ít người đang cầm 2,5 tỷ đồng trong tay vẫn mỏi mắt tìm nhà. Thậm chí, những vợ chồng trẻ chấp nhận tìm mua nhà xa trung tâm nhưng vẫn vô cùng ‘sốc’ với giá chung cư nơi đó.
VietNamNet đăng tải tuyến bài “Giá chung cư Hà Nội tăng chóng mặt” để phản ánh thực tế, nguyên nhân cũng như cùng tìm giải pháp hạ nhiệt giá chung cư.
Lý do giá chung cư tăng liên tục
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property) cho hay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, nhưng giá chung cư vẫn tăng liên tục; trong khi giá đất nền ven đô giảm vẫn không có thanh khoản.
Ông Toản cho đây hiện là một nghịch lý. Theo ông, nguyên nhân chính là do nhiều dự án vẫn đang “tắc”. Dự án mới chưa được phê duyệt, thủ tục pháp lý đình trệ, dẫn đến không có nguồn cung mới trên thị trường. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, tỉ lệ di dân cơ học cao, nhu cầu nhà ở rất lớn.
“Giai đoạn trước năm 2020, chung cư gần như là tiêu sản, mua xong chỉ có giảm giá, không có tăng giá. Nhưng từ sau năm 2020, chung cư đã trở thành kênh đầu tư với lợi nhuận bất ngờ. Chẳng hạn, khu vực An Khánh (huyện Hoài Đức), giá chung cư trước đây chỉ 15-17 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên gần 40 triệu đồng/m2”, ông Toản dẫn chứng thêm.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, một nguyên nhân khác dẫn đến giá chung cư cao, đó là tiền thuế đất tại các dự án rất cao.
Chẳng hạn, tại quận Thanh Xuân, riêng tiền thuế đất mỗi mét vuông khoảng 15-20 triệu đồng; cộng thêm chi phí đầu tư xây dựng, các chi phí khác, mức giá sẽ rơi khoảng 37-40 triệu đồng/m2. Do đó, chủ đầu tư phải bán giá 50-60 triệu đồng/m2, mới có lãi.
“Tiền thuế sử dụng đất là một phần cấu thành lên chi phí lớn. Nếu dự án càng kéo dài thời gian đầu tư, thủ tục pháp lý thì chi phí tài chính càng lớn do tiền trả lãi suất vay ngân hàng càng cao…. dẫn đến giá nhà càng cao”, ông Toản cho hay.
Còn TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh, 5 năm nay, Hà Nội không có dự án mới nên nguồn cung cạn kiệt, khan hiếm, trong khi nhu cầu cao.
“Nhu cầu đang quá lớn, nguồn cung không có, giới đầu cơ nhân cơ hội “thổi”, “đẩy” giá lên ở những dự án chung cư cũ. Việc mua đi bán lại càng khiến giá tăng cao. Trong bối cảnh này, nếu có dự án mới ra hàng chắc chắn họ cũng sẽ “tát nước theo mưa” để đưa giá bán cao.
Chuyện giá chung cư hiện nay cũng như câu chuyện cả chợ chỉ có một hàng bán thịt lợn. Nếu nhiều người mua nhưng chỉ có một bà bán thịt thì người bán chắc chắn sẽ cành cao, tăng giá”, ông Đính nói.
Cách nào hạ nhiệt giá chung cư?
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng cho rằng, xuất phát từ nhu cầu của người dân rất lớn, quỹ đất dù lớn nhưng vướng thủ tục nên dẫn đến câu chuyện cung - cầu lệch nhau khiến giá chung cư liên tục tăng. Ông Quê nhận định, giá chung cư phải đến giữa năm 2026 trở đi mới có thể giảm.
Lý do, các dự án nhà ở nói chung và các dự án nhà ở xã hội phải giữa năm 2025 mới bắt đầu rục rịch về mặt thủ tục. Đến giữa 2026 khi nguồn cung tăng, giá mới hạ nhiệt được.
Ông Quê nhắc lại câu chuyện giá chung cư đã từng rất cao ở giai đoạn 2008-2010. Khi ấy, có dự án chung cư giá 50-70 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến năm 2011-2013, khi thị trường xuất hiện các dự án nhà thương mại giá rẻ, chỉ 11-15 triệu đồng/m2; giá chung cư trên thị trường lập tức hạ xuống.
Đơn cử, dự án chung cư Indochina Plaza ở đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), năm 2010 giá bán khoảng 50-60 triệu đồng/m2; nhưng đến năm 2013, nhiều căn “cắt lỗ” bán giá chỉ 30-35 triệu đồng/m2. Còn đến thời điểm hiện tại, khi nhu cầu tăng cao, cung ít, giá căn hộ tại đây rơi vào khoảng 100 triệu đồng/m2.
Dẫn câu chuyện này, ông Quê cho hay, không có nghĩa giá chung cư không thể giảm mà một khi nguồn cung tăng, giá sẽ tự điều chỉnh giảm. Nguyên tắc của bất cứ hàng hóa nào khi cung - cầu hài hòa, giá mới cân bằng.
Theo lãnh đạo Tập đoàn G6, cần đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ vừa tạo bộ mặt đô thị khang trang, vừa tạo quỹ căn hộ mới cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, phải hình thành các đại đô thị, các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, tập trung. Các dự án nhà ở xã hội đã được quy hoạch, Nhà nước cần có cơ chế riêng, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM mới đẩy nhanh được thủ tục đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Đính cho rằng, giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh phê duyệt các dự án mới, để tăng nguồn cung.
“Khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, cần sớm có giải pháp thúc đẩy để có dự án ra hàng. Bên cạnh chú trọng phát triển các nhà ở xã hội, cần ưu tiên các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Chỉ cần có vài nghìn căn nhà ở xã hội hay nhà thương mại giá rẻ đẩy vào thị trường, lập tức giá chung cư sẽ hạ nhiệt ngay”, ông Đính nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc EZ Property Phạm Đức Toản khẳng định: “Giá chung cư sẽ lập tức giảm 40%, nếu Nhà nước đưa ra chủ trương lớn để các doanh nghiệp tham gia xây dựng một đại đô thị lớn ở ngoại ô thành phố như Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín (Thanh Trì)… với số lượng vài chục nghìn căn hộ”.