Uống nhiều nước ngọt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận
Sức khỏe - Ngày đăng : 12:58, 23/03/2024
Lạm dụng nước ngọt là nguyên nhân mắc nhiều bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... và làm suy giảm chức năng tinh hoàn đối với nam giới.
Trong một chai/lon nước ngọt có gas chứa một lượng đường lớn, tương đương tới 22 gói đường dùng để pha cà phê. Với khối lượng đường đó có thể sử dụng trong 22 cốc cà phê và tiêu thụ trong ít nhất 10 ngày.
Uống nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2
Việc tiêu thụ nước ngọt thường xuyên khiến lượng đường trong máu và insulin tăng đột biến. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát bệnh đái tháo đường type 2.
Ảnh hưởng tới xương khớp
Một số nghiên cứu cho thấy rằng acid photphoric có trong nhiều loại nước ngọt có ga, có thể cản trở sự hấp thụ canxi, làm xương yếu đi và tăng nguy cơ gãy xương.
Mỗi loại nước ngọt mà cơ thể người tiêu thụ trong ngày làm tăng nguy cơ bị gãy xương hông lên mức đáng lo ngại là 14%.
Các vấn đề nha khoa
Đường bổ sung và acid trong nước ngọt có thể ăn mòn men răng, lớp ngoài cùng của răng, dẫn đến sâu răng, mòn răng.
Nếu uống đồ uống có đường, hãy chủ động vệ sinh răng miệng ngay sau đó và nên dùng ống hút để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp đồ uống vào răng.
Tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Gan có vai trò chuyển hóa các chất đưa vào cơ thể, trong đó có đường. Uống nước ngọt hàng ngày khiến cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện có hàm lượng fructose cao, có thể khiến gan bị quá tải và dẫn đến tích tụ thêm chất béo, dễ dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Theo CDC Hoa Kỳ, mặc dù có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch nhưng uống nước ngọt hàng ngày làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim do tiêu thụ quá nhiều đường, có thể dẫn đến béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp.
Đặc biệt là gây hại cho thận
Trong nước ngọt đóng chai chứa hàm lượng đường cao dễ làm tăng nồng độ acid uric trong cơ thể. Điều này có thể khiến các tinh thể hình thành trong thận, dẫn đến sỏi thận.
Nguyên nhân là do nước ngọt chứa một lượng đường fructose, khi lượng đường này đi vào cơ thể gây cản trở nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa và phân hủy purin khiến lượng acid uric trong cơ thể tích tụ nhiều hơn.
Ước tính năm 2020, trên thế giới có khoảng 850 triệu mắc các bệnh lí về thận gấp đôi số ca đái tháo đường và gấp 20 so với các bệnh ung thư. Vì vậy, nên hạn chế hết mức có thể, dừng ngay việc uống nước ngọt mỗi ngày để bảo vệ thận và các bộ phận khác của cơ thể.