Sự thật về 'chất lượng' phần lớn vũ khí được phương Tây gửi tới Ukraine

Tin thế giới - Ngày đăng : 05:30, 22/03/2024

Mỹ và phương Tây vẫn cam kết ủng hộ Ukraine và gửi nhiều loại khí tài quân sự cho Kiev. Tuy vậy, phần lớn vũ khí được chuyển tới Ukraine đều không ở trong trạng thái tốt nhất.

Xe bọc thép "mong manh"

Theo National Interest, chính phủ Pháp dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron là một trong những thành viên NATO viện trợ Ukraine mạnh mẽ nhất. Ngoài các loại lựu pháo, Paris đã cung cấp cho Kiev một lượng lớn xe bọc thép AMX-10RC.

Tuy vậy, AMX-10RC là loại vũ khí đã lỗi thời, còn sót lại từ những năm 1980. Quân đội Pháp đã tiến hành loại biên các phương tiện này vào năm 2021, chỉ một năm trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ngay khi được triển khai tới tiền tuyến Ukraine, loại xe bọc thép của Pháp đã chứng minh rằng chúng không đủ năng lực để tham gia cuộc xung đột.

Một báo cáo tháng 9/2023 của Forbes tiết lộ rằng AMX-10RC "quá mong manh trong các cuộc đối đầu trực diện, và không phù hợp với môi trường ở Ukraine". Phần lớn binh sĩ Ukraine cho rằng loại xe thiết giáp này khó có thể được coi là "xe tăng hạng nhẹ", và không thể vượt qua các công sự phòng thủ của Nga.

amx 10 rc.jpg
Xe bọc thép AMX-10RC của Pháp. Ảnh: Wikipedia

Những xe tăng "hàng đầu" của phương Tây

Vào tháng 3 năm ngoái, cuộc tranh luận về việc gửi các loại xe tăng chiến đấu chủ lực của NATO tới Ukraine đã bắt đầu nổ ra. Phía Mỹ và Anh cho rằng NATO nên cung cấp cho Kiev loại xe tăng tốt nhất trong kho của mình là Leopard-2, trong khi Đức lại tỏ ra ngần ngại.

Trước đó, NATO chủ yếu gửi cho Ukraine các loại xe tăng từ thời Liên Xô cũ như T-72 và PT-91. Các loại xe tăng này tương đồng với những gì Nga sở hữu, và không hề khó để Moscow khắc chế các loại vũ khí mà họ đã quá am hiểu. Bên cạnh đó, các phiên bản T-72 của Nga đều được cải tiến đáng kể so với xe tăng của đối thủ.

Để có thể tạo ra khác biệt trên tiền tuyến, Mỹ đã quyết định gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Tuy được cam kết từ năm 2023, nhưng các chiến xa này mới chỉ xuất hiện ở Ukraine từ tháng 2 năm nay, và chúng dễ dàng bị Nga bắn hạ.

Đến hiện tại, đã có 4 xe tăng Abrams bị loại khỏi vòng chiến đấu bởi tên lửa chống tăng, UAV cảm tử, hay thậm chí là... thua trong cuộc đối đầu với xe tăng T-72 B3.

abrams tank ukraine.jpg
Xe tăng M1 Abrams xuất hiện ở Ukraine. Ảnh: Telegram

Đây không phải là vấn đề khó lý giải, bởi những chiếc Abrams được gửi tới Ukraine đều là phiên bản đời đầu, và thậm chí còn bị gỡ bỏ nhiều công nghệ phòng thủ như giáp uranium nghèo.

Sau động thái của Mỹ, các loại xe tăng nổi tiếng như Challenger-2 của Anh hay Leopard-2 của Đức đã xuất hiện ở Ukraine. Nhưng chúng cũng không thể hiện được quá nhiều, và phần lớn được sử dụng như các hệ thống pháo tầm xa.

Những nghi ngờ với F-16

Một trong những nguyên nhân khiến Ukraine không thể giành được lợi thế trước Nga là thiếu hụt sự hỗ trợ từ không quân, và Kiev kỳ vọng những tiêm kích F-16 sẽ giải quyết vấn đề này.

Tuy vậy, F-16 trên thực tế cũng là tiêm kích kiểu cũ, đang ở điểm cuối của vòng đời. Giống với các loại vũ khí kể trên, không có gì đảm bảo tiêm kích này có thể chiếm ưu thế trước các loại máy bay như Su-35 hay MiG-31 của Nga.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo trì sẽ là một thử thách với Kiev, bởi F-16 cần cơ sở vật chất phù hợp và sân bay đủ tiêu chuẩn để vận hành. Quan trọng nhất, các tiêm kích này chỉ có thể tới Ukraine sớm nhất là vào cuối năm nay.