Người đầu tiên cấy chip vào não đã có thể chơi game trên laptop bằng ý nghĩ
Cuộc sống số - Ngày đăng : 22:59, 21/03/2024
Năm 2016, Elon Musk đã thành lập một công ty có tên gọi Neuralink, với mục tiêu đầy tham vọng đó là tạo ra một máy tính có thể cấy ghép vào bên trong bộ não của con người.
Con chip đặc biệt dự kiến được sử dụng để cấy ghép vào não người có kích thước chỉ 4mm, kết nối với bộ não thông qua hàng ngàn dây thần kinh nhân tạo với kích thước siêu nhỏ. Quá trình cấy ghép sẽ được thực hiện thông qua phẫu thuật và khoan vào hộp sọ.
Mục tiêu ban đầu của Neuralink đó là sẽ giúp những người bị bại liệt, để cho phép họ có thể điều khiển máy tính hoặc smartphone bằng trí não, tiếp theo đó là để giúp điều trị cho những người bị mất trí nhớ hoặc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh khác.
Ngày 30/1 vừa qua, Neuralink đã hiện thực hóa bước đầu tham vọng của Elon Musk khi tiến hành cấy chip vào não của một người đàn ông bị liệt tứ chi.
Mới đây, sau gần 2 tháng ca phẫu thuật diễn ra, danh tính của người đàn ông này đã lần đầu tiên được tiết lộ. Đó là Nolan Arbaugh, 29 tuổi.
Theo đó, Neuralink vừa có buổi livestream trên tài khoản X (trước đây là Twitter) chính thức của công ty để cập nhật tình trạng sức khỏe của người đầu tiên được cấy chip vào não. Neuralink cho biết hiện tại Nolan đã hoàn toàn hồi phục và có thể điều khiển con trỏ chuột trên máy tính bằng suy nghĩ của mình.
Chia sẻ trong buổi livestream, Nolan Arbaugh cho biết anh đã bị liệt tứ chi sau một tai nạn kinh hoàng khi đang lặn biển cách đây 8 năm.
"Vụ tai nạn khiến tôi bị liệt hoàn toàn từ vai trở xuống. Tôi không có cảm giác hoặc khả năng cử động các bộ phận phía dưới cơ thể mình", Nolan chia sẻ.
Do vậy, việc sử dụng máy tính đối với Nolan được xem như một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng sau khi được cấy ghép chip của Neuralink vào não, Nolan đã có thể di chuyển con trỏ chuột để chơi game cờ vua và thậm chí là tựa game chiến thuật Civilization trên chiếc laptop của mình.
Chip Neuralink hoạt động bằng cách đọc tín hiệu não của người và dịch tín hiệu này thành các lệnh điều khiển từ xa thông qua kết nối Bluetooth để điều khiển một thiết bị điện tử, chẳng hạn ở đây là chuột máy tính.
"Tôi có thể điều khiển con trỏ chuột và di chuyển nó đến bất kỳ đâu trên màn hình laptop chỉ bằng cách suy nghĩ. Điều này thật tuyệt vời, thậm chí là điên rồ. Tôi thật may mắn vì đã trở thành một phần của điều này. Mỗi ngày, tôi lại học tập thêm những điều mới", Nolan chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, con chip của Neuralink vẫn cần phải sạc pin sau một thời gian hoạt động liên tục. Con chip này hỗ trợ sạc không dây, nhưng chưa rõ cách thức sạc pin như thế nào khi nó đã được cấy ghép vào não của Nolan.
Nolan cho biết việc cấy ghép chip vào não đã thay đổi cuộc đời anh, nhưng thừa nhận rằng con chip này vẫn còn những hạn chế và chưa thực sự hoàn hảo, dù vậy anh không chia sẻ rõ những hạn chế đó là gì.
"Tôi vẫn còn gặp phải một số vấn đề. Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng đây là điểm kết thúc của hành trình. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng rõ ràng con chip đã thay đổi cuộc đời tôi", Nolan nói tại buổi livestream.
Sau ca cấy ghép chip vào não đầu tiên và đạt được những tín hiệu khả quan, Neuralink vẫn đang tiếp tục chấp nhận đơn đăng ký tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng trên người, dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 6 năm.
Neuralink đang tìm kiếm những người bị liệt tứ chi hoặc mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), một chứng khuyết tật ảnh hưởng đến khả năng cử động của người bệnh, để tiến hành cấy ghép chip vào não.
Giải thích cho mục đích thành lập Neuralink, Elon Musk cho rằng sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo có thể gây ra mối đe dọa cho con người và để nhân loại không bị máy móc bỏ lại phía sau, đòi hỏi cần có một thiết bị giúp tăng cường sức mạnh về trí tuệ và thể chất cho con người.
Elon Musk cho biết mục đích cuối cùng của Neuralink đó là giúp tăng cường trí thông minh của con người.
Tuy nhiên, tham vọng của Elon Musk vẫn đang gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học khi nhiều người cho rằng việc cấy ghép chip vào bên trong não người là một vấn đề vi phạm về đạo đức.
Theo PCMag/Dtrends