Nắng nóng ở miền Bắc đến sớm và gay gắt hơn nhiều năm
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 21:56, 21/03/2024
Thông tin được ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết chiều 21/3, tại Hội nghị tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023 và nhận định xu thế thiên tai năm 2024.
Theo ông Lâm, số ngày nắng nóng trong năm nay ở miền Bắc khả năng nhiều hơn và mức độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Tây Bắc Bộ, cao điểm nắng nóng rơi vào tháng 5-6, trong khi Đông Bắc Bộ vào tháng 6-7.
Mùa mưa năm nay ở miền Bắc cũng được dự báo diễn ra theo đúng quy luật vào khoảng tháng 5 đến tháng 8.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng bắt đầu mùa mưa muộn. Riêng tháng 6, gió mùa Tây Nam xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, khiến mưa gia tăng ở hai khu vực này.
Đáng lưu ý, từ tháng 4 đến tháng 7, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên được dự báo thiếu hụt 15-55% so với trung bình. Chỉ có một số sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có lượng dòng chảy ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Trên sông Đà, xu thế mùa lũ năm nay ở mức thiếu hụt 30-50% so với cùng kỳ các năm và chỉ cao hơn 5-10% so với năm 2023. Mức thiếu hụt này trên sông Gâm và sông Chảy là 20-30%; sông Thao, sông Lô và sông Hồng là 40-50%.
Ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, chuyên gia cảnh báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng từ tháng 4 đến tháng 6; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận từ tháng 5 đến tháng 8.
2023 đánh dấu một năm ít bão hiếm có trong lịch sử, trên cả khu vực Tây Bắc - Thái Bình Dương và Biển Đông. Trong năm qua, Biển Đông hứng 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới nhưng không có hình thái nào ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Về diễn biến mùa bão năm nay, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết Biển Đông khả năng hứng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, xấp xỉ trung bình. Nhiều khả năng, hình thái này sẽ tập trung vào nửa cuối mùa ở Trung Bộ.
Dự báo này cũng phù hợp với nhận định mưa lớn khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11.
Trao đổi thêm tại Hội nghị, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết từ nay đến tháng 4, thời tiết chủ đạo ở Nam Bộ vẫn là ít mưa, nắng nóng, nền nhiệt chung cao.
Đặc biệt đến tháng 4 và tháng 5, khu vực có thể ghi nhận những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông và miền Tây Nam Bộ.
Cùng với đó, tổng lượng mưa tháng 4 và tháng 5 thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, nguồn nước từ sông Mekong chảy về Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu hụt. Ngày bắt đầu mùa mưa tại Nam Bộ khả năng đến muộn, khoảng từ tuần giữa tháng 5.