Bệnh nhân để bướu giáp 10 năm làm chèn ép đường thở mới tái khám
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:58, 21/03/2024
Bệnh nhân Hồ H.K (SN 1973, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phát hiện bướu giáp cách đây 10 năm tuy nhiên khi khám ở nhiều nơi, các bác sĩ khuyên chỉ theo dõi không can thiệp. Bản thân bệnh nhân nghe tin u lành nên chủ quan, không theo dõi.
Khoảng một năm trở lại đây, bệnh nhân nuốt vướng, đau tức ngực, cảm giác khó thở, nhất là khi nằm nên đi khám và được bác sĩ cho chỉ định chụp X-quang ngực, CT cổ ngực có thuốc cản quang tĩnh mạch để khảo sát những tổn thương của bệnh nhân.
Kết quả chụp phát hiện một khối bướu giáp thùy phải lớn thòng xuống trung thất, kích thước 5x15cm, phần dưới khối u nằm ở vùng trung thất sau chạm đến động mạch chủ của bệnh nhân, khối u đẩy xẹp 50% khẩu kính khí quản ngực.
Bệnh nhân được chỉ định mổ cắt thùy phải tuyến giáp có khối u này. Ca phẫu thuật kéo dài 2,5 giờ đồng hồ với nhiều khó khăn do khối u lớn, lâu ngày dính vào các tổ chức lân cận, đòi hỏi các bác sĩ phải khéo léo đưa khối u ra khỏi lồng ngực bệnh nhân qua đường mổ ở cổ mà không cần cưa xương ức, đồng thời bảo tồn được dây thần kinh chi phối giọng nói, tuyến cận giáp và ngăn ngừa tình trạng chảy máu trong và sau mổ.
Bệnh nhân hiện tại ổn định, giọng nói rõ, được xuất viện sau phẫu thuật 5 ngày.
Bác sĩ Thân Trọng Vũ - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, bướu giáp thòng trung thất chiếm 1-20% các trường hợp phẫu thuật tuyến giáp, độ tuổi hay gặp từ 50-60 tuổi.
Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh gấp 4 lần so với nam giới. Với những trường hợp bướu giáp thòng trung thất có kích thước lớn nằm sâu trong lồng ngực, đôi khi phải sử dụng đường mổ cưa xương ức hoặc nội soi lồng ngực hỗ trợ kết hợp đường mở ngang cổ mới có thể giải quyết được tình trạng bệnh. Do tính chất khó khăn, phức tạp của bướu nên nguy cơ chảy máu trong mổ, tổn thương dây thần kinh chi phối cho giọng nói ở các bệnh nhân bướu giáp thòng rất cao.
“Vì vậy khi phát hiện khối u vùng cổ di động theo nhịp nuốt, bệnh nhân nên đến chuyên khoa phẫu thuật tuyến giáp để chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để bướu giáp lớn, sâu vào trong lồng ngực sẽ gây những biến chứng như chèn ép khí quản, thực quản, mạch máu thần kinh, ung thư hóa.
Việc điều trị sớm sẽ giúp hạn chế được các nguy cơ trong và sau phẫu thuật như phải chẻ xương ức mới có thể lấy được bướu, chảy máu trong và sau mổ, tổn thương dây thần kinh chi phối cho giọng nói và hạ canxi máu do tổn thương tuyến cận giáp” - bác sĩ Vũ khuyến cáo.