Những cách chống chuột vào cắn phá ô tô hiệu quả được cánh tài xế mách nhau

Xa lộ - Ngày đăng : 09:29, 21/03/2024

Dùng lưới quây, treo các loại tinh dầu hay thậm chí buộc chùm lưỡi câu cá vào nơi chuột hay đi lại là những cách hay mà cánh tài xế đang đang sử dụng để xua đuổi những "vị khách không mời" tránh xa "xế cưng" của mình.

Động vật nói chung và chuột nói riêng khi chui vào khoang máy của ô tô sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Những "vị khách không mời" này có thể vô tư ở lại làm tổ, lôi rác và đồ ăn vào xe, gây ra mùi hôi khó chịu.

Nặng hơn, chúng sẽ cắn phá các bộ phận nhựa, dây điện, các đường ống dẫn nhiên liệu, nước làm mát, điều hoà,... khiến chiếc xe không thể vận hành, thậm chí có thể xảy ra cháy nổ. Do vậy, rất nhiều chủ xe "đau ví" để xử lý hậu quả và đau đầu tìm mọi cách đuổi chúng tránh xa chiếc xe của mình.

chuot can day dien.jpeg
Một chiếc ô tô bị chuột cắn tơi bời dây điện trong khoang máy. (Ảnh: Otohui)

Dưới đây là một số phương pháp giúp hạn chế chuột chui vào khoang động cơ ô tô được đông đảo tài xế áp dụng:

Sử dụng tinh dầu, băng phiến chống chuột

Cách được nhiều tài xế sử dụng nhất là để các loại tinh dầu, băng phiến, viên long não,... có tác dụng chống chuột xâm nhập vào khoang máy. Với mùi và hoá chất có trong các loại tinh dầu, nhiều loại chuột và cả côn trùng như gián, kiến,... sẽ sợ và không dám đến gần.

Một số chủ xe còn nghĩ ra cách treo các loại cao, dầu gió có mùi mạnh như cao Sao Vàng, dầu Phật Linh hay cao Con Hổ trong xe, nhờ vào mùi đặc trưng để xua đuổi chuột khỏi lui tới.

duoi chuot bang cao sao vang.jpeg
Nhiều chủ xe nghĩ ra cách treo dầu gió hay cao sao vàng vào trong khoang máy để đuổi chuột (Ảnh: Lê Hoàng)

Tuy vậy, cách này thường chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian bởi các loại tinh dầu, băng phiến hay dầu cao sau nhiều ngày sử dụng sẽ bay mùi. Mặt khác, những loại hoá chất, dụng cụ này khi gặp nhiệt độ cao trong khoang máy dễ biến chất, gây nguy cơ cháy nổ và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Dùng mỡ trăn, mỡ bò bôi bên trong khoang máy

Nhiều "tài già" mách nhau cách bôi các loại mỡ trăn, mỡ bò lên các vị trí đường ống dễ bị chuột cắn trong khoang máy. Các loại mỡ này có hai tác dụng, đầu tiên là khiến đường đi của chuột bị trơn trượt, khiến những "anh tý" này khó tiếp cận và lưu trú được trong khoang máy. Ngoài ra, những loại mỡ này có này mùi tự nhiên đặc trưng của các loài thiên địch khiến chuột sợ lại gần.

Các loại mỡ trăn, mỡ bò,... có tác dụng khá lâu dài, nhưng nhược điểm lớn của cách làm này là các bộ phận trong khoang máy rất dễ bị cáu bẩn, khó vệ sinh và có thể bị cuốn mùi hôi vào khoang hành khách theo đường điều hoà.

Đặt bẫy trong khoang động cơ, dưới gầm xe

Không chỉ tìm cách đuổi chuột, nhiều chủ xe còn tìm đến những phương pháp "nặng đô" hơn nhằm tiêu diệt những con vật có hại bằng cách đặt bẫy hoặc keo dính chuột ở xung quanh xe và cả trong khoang máy.

Nhìn chung, đây là một cách diệt chuột khá đơn giản, dễ làm, phù hợp với chỗ để xe chật hẹp, chuột có ít lối chạy. Tuy nhiên hiệu quả có thể không cao bởi những "vị khách" rất tinh ranh và hoàn toàn có thể né những cái bẫy mà con người tạo ra.

Buộc chùm lưỡi câu vào dây điện, ống nước

Đây là cách đuổi chuột với chi phí khá rẻ nhưng lại đạt được hiệu quả bất ngờ. Theo đó, chỉ cần buộc khoảng 5-10 lưỡi câu cá chùm (lưỡi lục) vào các điểm trọng yếu trong khoang máy và để lưỡi câu hướng lên trên. Khi chuột di chuyển bên trong rất dễ bị những đầu lưỡi sắc nhọn chạm vào, sẽ sợ và bỏ đi.

Ưu điểm của cách làm này là rẻ tiền, dễ làm, ít ảnh hưởng đến các bộ phận dưới nắp ca-pô. Tuy nhiên, việc chọn vị trí và cố định các lưỡi lục cần có kinh nghiệm cũng như sử dụng dây buộc với vật liệu phù hợp để chịu được nhiệt độ cao.

chong-chuot-3-1.jpg
Buộc một số chùm lưỡi câu cá trong khoang động cơ là cách chống chuột rất hiệu quả (Ảnh: Nguyễn Đức Thắng)

Dùng quây lưới chuyên dụng

Gần đây, những chiếc quây chống chuột cho ô tô được khá nhiều người sử dụng. Với cấu tạo làm bằng vật liệu chắc chắn cùng khung kim loại, chiếc quây này có thể ngăn bước chuột tiếp cận đến chiếc xe một cách khá tốt.

Nhược điểm của phương pháp này là giá thành khá cao, trung bình từ 1,5-2 triệu/chiếc quây. Cùng với đó là kích thước lớn nên khá lỉnh kỉnh trong thao tác tháo lắp, chỉ phù hợp với những chiếc xe đậu một chỗ trong thời gian dài, ít ra vào xe và trên bề mặt tương đối bằng phẳng.

quay-chong-chuot-1.jpeg

Trên đây là một số phương pháp được nhiều chủ xe áp dụng để đuổi chuột. Tuy nhiên, biện pháp nào cũng có ưu, nhược điểm và tính hiệu quả riêng. Do vậy, chủ xe có thể áp dụng nhiều cách để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho mình.

Những tài xế có kinh nghiệm cũng khuyên rằng, trước khi nghĩ đến những cách chống chuột thì quan trọng nhất là nên chọn nơi đỗ xe ở nơi khô ráo, thoáng đãng và hay có người đi lại bởi đây là những nơi chuột ít khi lui tới. Đồng thời luôn giữ cho khoang máy và nội thất sạch sẽ, tránh để rơi vãi đồ ăn thức uống thừa hoặc những thứ dễ lôi kéo chuột đến làm tổ, cắn phá.

Hoàng Hiệp